“SẼ ĐẾN LÚC CUỘC SỐNG NÀY ĐƯỢC LẬT LÊN TỪ NHỮNG TẦNG SÂU NHẤT CHO ÁNH SÁNG CỦA LƯƠNG TRI RỌI TỚI ĐỂ TÌM THẤY GIÁ TRỊ ĐÍCH THỰC CỦA MỖI CON NGƯỜI. ”
Đạo diễn: Lê Quý Dương
VIDEO
KỊCH BẢN
NHÂN VẬT
1. Bác Trung: Thương binh hỏng mắt bán tranh dân gian ở chợ.
2. Trần Công: Một cán bộ thành phố.
3. Bà Phương: Vợ Trần Công.
4. Song Ánh: Con gái Trần Công sinh viên đại học Sư Phạm.
5. Tử Du: Sinh viên đại học văn khoa.
6. Thành: Thương binh.
7. Lệ: Lao công quét rác trong chợ – người yêu Thành.
8. Ông Tơ: Cán bộ quản lí chợ.
9. Bà Ngà: Bán thuốc nam trong chợ.
10. Thằng Tom: Con trai bà Nga, bán báo rong.
Những người sống và buôn bán ở chợ
\
CẢNH MỘT
Một cái chợ đổ nát và bùn lầy. Mờ sáng. Tất cả còn chìm trong giấc ngủ chập chờn. Bà Ngà dọn những mẹt lá thuốc. Bác Trung lần tay bày những bức tranh Đông Hồ. Thành nằm ngủ vật vã như một cái xác. Bóng Lệ quét chợ ở phía xa. Đám đánh bạc bỗng cãi nhau ỏm tỏi.
Ông Trung: – Các cháu ơi! Nghe lời bác! Đừng đánh nhau nữa!
Ông Tơ: (vào thổi còi) – Đứa nào? Đứa nào? Mới sáng ra đã gây lộn! Đứa nào kiếm chuyện? Muốn quậy phải không? Một hàng ngang tập hợp!
Đám bạc: (đồng thanh) – Chúng con xin kính chào bác quản lí chợ ạ! Tụi con chỉ gặp gỡ giao lưu để kiếm chút sườn non nấu cháo thôi mà!
Ông Tơ: (cười) – Sườn non! Ừ đó cũng là một cách kiếm sống. Nhưng phải biết (chỉ tay) đoàn kết, thân ái, thương yêu…
Đám bạc: (đồng thanh) – Giúp đỡ, đùm bọc, tương trợ lẫn nhau ạ!
Ông Tơ: – Đúng rồi! Dù là cái chợ….
Bà Ngà: – … thì cũng phải có nề nếp, kỉ cương, quy củ!
Ông Tơ: – Đó! Đó! Đó! Lại nhảy vô trong họng người ta đó. Mẹ con bà mới nhập chợ, cứ vậy hoài là tôi sẽ cho chuyển đi chỗ khác kiếm ăn. Nghe!
Lệ: – Sao hôm nay bác Tơ ra chợ sớm vậy?
Bác Trung: – Hôm nay có chuyện gì vui rồi. Tôi nghe tiếng nói anh Tơ không uể oải như mọi ngày.
Ông Tơ: – Phải công nhận con mắt của ổng có vấn đề nên lỗ tai ổng thính thiệt. Thính tới mức nghe được nhịp thở của chợ.
Bác Trung: – Tôi sinh ra ở đây, lớn lên ở đây mà. Ngày trước chỗ này là sông. Dòng sông bồi mãi, bồi mãi mà thành xóm làng, thành chợ, thành quê hương… Có chuyện gì vui, anh Tơ nói cho bà con biết với.
Ông Tơ: – Nghe nè! Nghe nè! Toàn chợ hãy căng tai mở mắt nghe nè! Ngày hôm nay, mọi người phải diện đồ đẹp! Nghe!
Đánh bạc 1: – Dạ! Áo con còn nguyên nhưng quần bị lủng một lỗ.
Ông Tơ: – Đâu?
Đánh bạc 1: – Đây.
Ông Tơ: – Đứng qua một bên rồi tao tính! Còn mày?
Đánh bạc 2: – Dạ, quần con không lủng nhưng áo con rách…vầy!
Ông Tơ: – Hừm! “Tốt khoe, xấu che”. Hai đứa đổi cho nhau. Đúng rồi! Hai đứa đổi cho nhau! Đứa áo lành đứng che cho đứa áo rách. Đứa quần rách đứng núp sau đứa quần lành. Nghe?
Đám bạc: (đồng thanh) – Dạ nghe.
Ông Tơ: – Nghe rồi thì cứ vậy mà làm. Bên trái quay! Bước ra! Bước!
Bác Trung: (vụt hỏi) – Có việc gì mà phải che che núp núp vậy anh Tơ?
Ông Tơ: – Chuyện quan trọng! Hôm nay, một đồng chí cán bộ bự sẽ về thăm chợ ta.
Bà Ngà: – Trời ơi! Lại cán bộ về thăm! Lần nào mấy ổng xuống đây cũng tăng thuế, hay công trái, hay môn bài, hay hay là…
Ông Tơ: – Là là là cái gì? Bà nói hay tui nói? Cứ vậy hoài à? Cán bộ xuống đây để khảo sát thực tế chuẩn bị đập chợ cũ, xây chợ mới.
Bác Trung: – Thay cũ đổi mới?
Ông Tơ: – Phải! Đập hết chợ cũ bùn lầy đổ nát này đi và xây nên một khu chợ mới đoàng hoàng hơn…
Bà Ngà: – …To đẹp hơn, đúng như lời…
Ông Tơ: – Đó đó đó! Lại nữa! Lời ai! Lời ai …?
(im lặng rất lâu)
Bà Ngà: – Bác Hồ! Lời của Bác Hồ!…Và cũng là ước mơ của bà con chúng tôi.
Ông Tơ: – Làm như có mình bà biết mơ ước?
Lệ: – Bác Tơ ơi! Xây chợ mới thì vui quá! Nhưng có thiệt không bác?
Ông Tơ: – Lần này thì chắc chắn là thiệt. Bà con đâu hết cả rồi? Nghe tôi nói nè! Phải biến niềm vui thành hành động. Ta cùng dấy lên phong trào thi đua trong toàn chợ. Cụ thể là bà Ngà và chi hội thuốc Nam sẽ lo dọn sạch khu cống rãnh bên trái. Ông Xồm và khu bán thịt, lo dọn sạch khu cống rãnh bên phải. Cô Lệ và đám rau quả tươi lo dọn sạch khu công rãnh phía sau. Còn tôi, Tơ! Tôi sẽ cùng trực tiếp chỉ đạo khu ăn uống khai thông khu cống rãnh đằng trước. Nghe?
Bà Ngà: – Chưa nghe.
Ông Tơ: – Bà muốn gì nữa?
Bà Ngà: – Còn khu vệ sinh công cộng kia ai lo?
Ông Tơ: – Chuyện đó thì để chi hội xe ôm mới nhập chợ lo.
Bác Trung: – Sao? Sao? Bốn phía là cống rãnh sao! Bao năm rồi mà cống rãnh vẫn
quây quanh lấy khu chợ này sao?
Ông Tơ: – Hồi nào tới giờ vẫn vậy! Ông Trung nè! Ông bị mù nên tưởng xung quanh sạch sẽ lắm. Ông chưa bị té, bị lọt cống lần nào là may lắm rồi.
Bà Ngà: – Ông Trung ơi! Ông buồn mà làm chi hở ông!
Thành: (vùng dậy ôm đàn hát) – Đất nước tôi! Đất nước tôi! Đất nước tôi!… Đất nước tôi thon thả giọt đàn bầu…
Lệ: (lao lại ôm Thành) – Anh Thành! Anh Thành! Em đây mà! Đừng vậy mà anh! Bà con đang chuẩn bị xây chợ mới đấy!
Thành: (hát) – Lalalalala! Những công trình rực rỡ nắng vàng! Những công trình đẹp bao ước vọng.
Ông Tơ: – Bà Ngà! Bà làm sao cho nó tỉnh lại đi! Cán bộ sắp xuống rồi!
Thành: (ngâm thơ) – Người với người sống để yêu nhau!
(hát) Cho ngày nay, cho ngày mai, cho muôn đời sauuuuuu…
Bà Ngà: – Lệ ơi! Con lấy mấy lá thuốc cho nó nhai coi nó có tỉnh lại không?
Bác Trung: – Có khi nó là người hạnh phúc nhất cái chợ này. Nghe tiếng nó hát mới thấy tâm hồn nó còn vui phơi phới.
Lệ: – Bác Trung ơi! Con phải làm thế nào bây giờ hả bác?
Bác Trung: – Cứ để cho nó hát. Cũng như bác thôi. Thà là đừng nhìn thấy. Thà là đừng hiểu.
Lệ: – Không! Con xin mọi người hãy giúp cho anh Thành hiểu tất cả những gì đang diễn ra, không như những bài ca anh ấy hát. Anh Thành ơi! Tỉnh lại đi anh! Dù là chịu đau khổ còn hơn phải sống mãi trong những cơn mơ giả dối. Anh Thành!
Thành: (hát vống lên) – Cho ngày nay, cho ngày mai, cho muôn đời sau…
Ông Tơ: (chỉ tay vào mặt Thành thổi còi) – Thành, mày có nhận ra bác không? Bác Tơ nè!
Thành: – Nghiêm! Nghệ sĩ Thành xin chào nghệ sĩ Võ Văn Tơ.
Lệ: – Anh Thành (khóc)
Thành: (tát Lệ) – “Thành thành thành thành thành…Thành phố buồn còn nhớ không em”! Xin chào nghệ sĩ Lệ.
Ông Tơ: – Tiêu rồi! Tiêu rồi! Bà Ngà ơi! Tiêu thiệt rồi! Chút nữa cán bộ xuống mà nó cứ khùng thế này là tiêu thiệt rồi. Thành ơi! Sao người nào mày cũng chào là nghệ sĩ hả Thành.
Thành: (hát) – Người! Người! Người! Khi nghĩ về một đời người, tôi thường nhớ về một rừng cây…hé hé hé.
Ông Tơ: – Thành ơi! Tao lạy cậu! Tao van mày! Tao xin mày! Cán bộ bự sắp xuống rồi.
Thành: (hát )- Khi nghĩ về một rừng cây, tôi chợt nhớ về nhiều người…hà hà! (nằm vật ra ngủ)
Ông Tơ: – Rồi! Ngủ đi! Nhớ và nghĩ mà làm gì, Thành ngủ ngon nhé! Nay mai có chợ mới, Thành tha hồ hát.
Lệ: – Ngủ đi anh! Bà con góp tiền cho anh đi chữa bệnh đây nè. Rồi ngày mai em sẽ dẫn anh đi chữa bệnh.
Bà Ngà: (chạy lại) – Trời ơi! Con bé Lệ, ông Tơ ơi, ông lại đây coi ông Trung vẽ con Lệ giống lắm nè.
Ông Tơ: – Ông hổng thấy đường mà sao ông vẽ hay vậy ông Trung?
Bác Trung: – Tôi nghe giọng nói mà hình dung nên người. Giọng nói của con bé Lệ đôn hậu như tấm lòng của đất vậy! Anh Tơ ơi! Đừng cho ai dẫm lên hình của cháu Lệ ở chỗ này nghe.
Ông Tơ: – Chỉ một trận mưa là xoá sạch tất cả thôi ông Trung à! Nè! Ông mê làm họa sĩ lắm à?
Bác Trung : (xa xôi) – Ngày xưa,…Lâu lắm rồi! Tại chiến tranh đã cướp đi tất cả. Nếu không thì …
Ông Tơ: – Ông là thương binh sao không vào trại. Ngồi đây bán mấy cái tranh “đánh ghen” “hứng dừa” ở nơi chợ búa này làm chi cho cực khổ?
Bác Trung: – Anh không bao giờ hiểu nổi đâu!!!
(có tiếng cười sặc sụa bên ngoài)
Ông Tơ: – Câm họng đi giùm tao! Mới dụ được thằng Thành nó ngủ đó! Ngủ đi Thành! Đừng thức dậy nghe mày!
Bác Trung: – Giọng ai cười nghe chói tai quá vậy?
Ông Tơ: – Còn ai vô đây nữa. Chỉ có thằng Phi Ba Phay chuyên đâm thuê chém mướn. Nè! Phi! Tí nữa cán bộ xuống mà giở cái giọng cười đó ra thì đừng có trách Tơ này.
(Trần Công vào cùng Song Ánh và Tử Du đang cười)
Trần Công: – Tôi đây. Xin chào bà con cô bác.
Ông Tơ: – Ủa? Anh Công ! Tiếng anh cười dễ thương quá! Anh xuống hồi nào vậy? Song Ánh con cũng theo ba xuống thăm chợ à?Chào cậu Tử Du! Đợi tôi chút!
(Vào lấy hoa quả trái cây ra)
Tử Du: – Xin chào toàn thể bà con.
Song Ánh: – Kìa Lệ! Mình tìm Lệ mãi.
Lệ: – Song Ánh. Lâu quá rồi Song Ánh và Lệ không có dịp gặp nhau!
Song Ánh: – Ánh bận đi dạy học suốt! Lệ có khỏe không? Ánh mời bao lần mà không thấy Lệ đến nhà Ánh chơi!
Lệ: – Thứ lỗi cho Lệ! Mình làm ở chợ suốt ngày chẳng đi đâu được! Mình sẽ cố gắng thu xếp thời gian đến thăm Ánh.
Song Ánh: – Ánh mong Lệ lắm đó! Lệ nhìn kìa! Ba Ánh đó!
Lệ: – Ba Ánh là cán bộ bự trông oai quá!
Ông Tơ: – Xin giới thiệu với bà con đây là đồng chí Trần Công cán bộ bự hôm nay xuống thăm chợ ta. Các tổ chợ chúng ta đã sinh hoạt để nghe quá trình hoạt động của đồng chí chuẩn bị cho đợt bầu cử Hội đồng nhân dân khoá này. Đồng chí sẽ đích thân chỉ đạo việc xây chợ mới. Đề nghị bà con cho một tràng pháo tay.
(Mọi người vỗ tay.)
Trần Công: – Bà con hãy coi tôi như một người dân bình thường.
Bác Trung: (một mình) – Cái giọng nói! Cái giọng mới quen làm sao?
Bà Ngà: (ngỡ ngàng) – Ông cán bộ? Có phải ông cán bộ là…
Trần Công: – Chào bà.
Tử Du: – Bà có điều gì muốn hỏi?
Bà Ngà: – Hồi chiến tranh ông cán bộ có ở Trường Sơn không? Tôi nhớ không lầm thì…
Trần Công: – Có. Tôi có chiến đấu ở Trường Sơn! Bà có quen ai ở Trường Sơn à?
Bà Ngà: – Không! Không! Tôi không có quen ai cả! Có lẽ tôi đã lầm.
Ông Tơ: – Bà Ngà! Bà cứ vậy hoài. Cả mấy thế hệ đi vào Trường Sơn, thiếu gì người giống nhau, thời bình rồi nhớ tới cái ngày bom đạn đó làm chi!
Bà Ngà: – Vâng, tôi chỉ hỏi vậy thôi. Tôi biết tôi lầm rồi!…
Trần Công: – Kìa! Anh Tơ! Phải có ngày hôm qua thì mới có ngày hôm nay chứ.
Tử Du: – Có ngày hôm qua! Có ngày hôm nay! Hay quá!
Bác Trung: (một mình) – Cái giọng nói! Đúng là cái giọng nói đó rồi!
Trần Công: (chỉ huy) – Anh Tơ! Thế tất cả chỗ này là chợ!
Ông Tơ: – Dạ! Thưa anh tất cả đây là chợ đó anh!
Trần Công: – Nắng! Nắng quá! Nè! Phải có mái che cho bà con!
Ông Tơ: – Anh đội tạm cái nón của tôi cho đỡ nắng.
Tử Du: – Bác cứ yên tâm! Trong thiết kế rất quan tâm tới việc làm mái che cho chợ.
Trần Công: – Kìa! Ai nằm đằng kia?
Ông Tơ: – Dạ! Đó là thằng Thành ạ! Thưa anh nó vừa ngủ xong.
Trần Công: – Đánh thức cậu ấy dậy! Ai lại nằm dưới đất thế kia! Bệnh chết!
Ông Tơ: – Anh ơi! Cứ để cho nó ngủ yên! Kêu nó thức dậy là tiêu luôn. Nó sẽ hát từ tuồng tầu cho tới tuồng ta! Từ chèo cổ cho đến tân nhạc. Từ quốc ca cho tới ả đào.
Trần Công: – Sao kỳ vậy?
Ông Tơ: – À! Nó là thương binh bị chấn thương sọ não mà thành khùng đó anh!
Trần Công: – Tội nghiệp! Gia đình cậu ấy đâu?
Ông Tơ: – Chết hết rồi anh ơi. Giờ con bé Lệ đây nuôi nó.
Song Ánh: – Lệ với anh Thành là bạn học cùng trung học phổ thông với con và anh Tử Du đó ba!
Tử Du: – Xin chào bạn Lệ, người bí thư chi Đoàn gương mẫu của lớp 12A năm nào!
Lệ: – Con chào bác!
Trần Công: – Chào cháu! Nuôi cậu ấy có vất vả lắm không cháu?
Lệ: – Dạ có! Nhưng mà con rất thương anh ấy!
Trần Công: – Anh Tơ! Anh phải chăm lo cho bà con! Cháu Lệ đây là một ví dụ! Phải có chiến lược động viên và giúp đỡ rõ ràng!
Ông Tơ: – Dạ thưa anh! Đúng vậy! Dân là gốc! Tôi và anh chỉ là cành là ngọn thôi ạ!
Tử Du: – Là cành là ngọn!
Trần Công: – Tôi đánh giá cao chân lý anh đã nhận thức được! Tử Du nè! Bùn lầy quá! Phải đôn nền.
Tử Du: – Thưa bác! Con đã ghi rõ a nhỏ là mái che và b nhỏ là đôn nền.
Ông Tơ: – Dạ thưa anh Công, với trách nhiệm của người quản lí chợ, gạch đầu dòng hoa thị thứ nhất, tôi sẽ hướng dẫn cho bà con đi guốc dép một trăm phần trăm để chống bùn lầy! Hơn thế nữa, gạch đầu dòng hoa thị thứ hai, tôi sẽ làm công tác tư tưởng với chi hội nón đội đầu đằng kia giảm giá sao cho người người được đội nón, nhà nhà có nón đội để chống nắng mưa. Tôi làm vậy có được không anh?
Trần Công: – Tốt! Cơ cấu chợ ta thế nào hả anh Tơ?
Ông Tơ: – Dạ chỗ nhạc ì ì đằng kia là quán rượu lòng heo tiết canh của bà Hai Mập! Đồ nhậu của bả ngon bá cháy thưa anh!
Trần Công: – Bà con không nên nhậu nhiều rồi say xỉn có hại cho sức khỏe lắm!
Ông Tơ: – Thưa anh! Nhậu nhẹt là không nên! Tôi chỉ xin anh ưu tiên đầu tư cho các ngành hàng đặc sản thôi ạ!
Tử Du: – Thưa bác con nghĩ ta phải biến cơ cấu lòng heo tiết canh không chỉ trở thành một mặt hàng mang tính dân tộc có giá trị kinh tế cao mà còn phải nổi tiếng khắp năm châu bốn biển.
Trần Công: – Phải rồi! Năm nay là năm du lịch. Bạn bè trên thế giới đang nhìn vào.
Ông Tơ: – Tây đến chợ ta đông lắm anh ạ! Dạ! Thưa anh! Đây là ông Trung bán tranh dân gian Đông Hồ. Ổng có biệt tài bói qua giọng nói! Ổng bói trúng lắm anh.
Song Ánh: – Bác có phải là ông già coi bói nổi tiếng như người ta vẫn đồn?
Tử Du: – Bói toán! Thưa bác con nghĩ ta phải nghiêm trị mê tín dị đoan. Tranh Đông Hồ thì ta nên phát triển.
Trần Công: – Bác đánh giá rất cao những ý kiến của con! Đất nước đang trông chờ vào tiềm năng và sức bật của các con!
(Bên ngoài bỗng vẳng vào tiếng chó sủa ầm ĩ)
Trần Công: – Chó! Anh Tơ! Tôi rất sợ chó! Đừng cho chó chạy vào đây! Năm nay rất nhiều người đã chết vì chó dại cắn. Anh Tơ! Anh chuẩn bị sẵn sàng! Nếu chó chạy vô đây anh phải đập chết ngay!
Ông Tơ: – Anh đừng có lo! Mỹ chúng mình còn thắng thì mấy con chó dại ăn nhằm gì!
Bác Trung: – Không phải! Bà Ngà ơi, tôi nghe như tiếng thằng Tom.
(thằng Tom bò vào và sủa như chó thật )
Bà Ngà: – Tom!
Thằng Tom: – Má ơi coi nè!
Bà Ngà: – Trời ơi! Tiền! Mày lấy đâu ra mà nhiều tiền vậy hở Tom?
Thằng Tom: – Bữa nay con bán báo nhiều hơn cả chục lần so với ngày hôm qua má!
Lệ: – Hôm nay báo có tin gì giật gân hả Tom?.
Thằng Tom: – Đâu có! Hôm qua thì tui rao bán báo bằng lời, còn bữa nay thì tui sủa. Hoá ra là sủa lại dễ bán hơn là rao.
Bác Trung: – Vậy là sao hở con?
Thằng Tom: – Có gì đâu bác! Nghe con sủa. Người ta quay lại xem. Vừa sủa, con vừa mời chào, bà con khoái ai cũng mua cho con một tờ.
Trần Công: – Này cháu! Sủa như thế có khó không cháu! Cháu học ở đâu vậy ?
Thằng Tom: – Ở cái chợ Đời này nè bác! Dễ lắm, con sủa cho bác coi rồi bác mua báo cho con ha.
Bà Ngà: – Tom! Đứng lên! Mày lại đây! Lại đây!
Thằng Tom: – Dạ! Con đây thưa má!
Bà Ngà: – Má đói nghèo mà nhìn con đứng bằng đôi chân của con người còn hơn là no đủ mà thấy con phải làm trò như vậy Tom!
Thằng Tom: – Con thấy má cực quá, con chỉ muốn kiếm nhiều tiền giúp má thôi mà! Ba con đi đâu hoài sao không về giúp má!
Bà Ngà: – Tom! Rồi ba con sẽ về!
Trần Công: – Bà! Ông nhà công tác ở đâu mà chưa về!
Bà Ngà: – Ổng ở xa…xa lắm!
Song Ánh: – Ba, ba có cách gì giúp bác ấy không ba?
Trần Công: – Bà! Tôi có thể giúp bà và cháu nhắn tìm ông ấy nếu bà muốn!
Bà Ngà: – Ông không thể giúp được đâu! Ông ấy ở xa lắm! Trong tận quá khứ của đời tôi kìa!
Bác Trung: – Đúng rồi! Đúng là giọng nói này rồi!
Ông Tơ: – Ông Trung! Sao nãy giờ ông cứ lẩm bẩm hoài. Ông nói giọng của ai?
Bác Trung: – Ông cán bộ!
Song Ánh: – Bác ơi! Bác bói cho ba con đi! Ba con là người đã từng…
Bác Trung: – …Đã từng sát hại đồng đội giữa chiến trừơng!
Ông Tơ: – Trời ơi! Ông khùng rồi hả ông Trung! Ông mới nói cái gì vậy?
Bác Trung: – Tôi không thể lầm được.
Ông Tơ: – Ông Trung ơi, đồng chí Trần Công là cán bộ bự. Ông ăn nói sao cho lọt tai. Ông muốn ở tù hả ông Trung.
Song Ánh: – Ba! Ông thầy bói nói như vậy là sao hả ba?
Tử Du: – Ông thầy bói mù kia. Đây là một người cán bộ của nhân dân. Đây là một người anh hùng của đất nước. Ông sẽ phải chịu trách nhiệm về những điều ông vừa nói đó.
Trần Công: – Tử Du! Không được lớn tiếng với bà con! Bà con có quyền giãi bày những ý nghĩ của họ.
Ông Tơ: – Xin lỗi anh! Tôi đã không quản lý được miệng lưỡi của bà con.
Trần Công: – Anh Tơ! Nhiệm vụ của chúng ta là lắng nghe và thoả mãn những nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Cứ để cho bà con nói! Anh Tơ! Tôi cấm anh không được cấm bà con giãi bày những tâm sự của họ.
Thành: (bật dậy hát) – “chân lí thuộc về mọi người, đâu chịu sống đời nhỏ nhoi. Xin hát về bạn bè tôi, những người sống vì mọi người…”
(Vang lên tiếng hát của Thành giữa không khí buổi chợ sáng náo nhiệt)
Đèn Tắt
CẢNH HAI
Nhà Trần Công. Chiều xuống. Căn phòng rộng rãi, giản dị. Song Ánh đang mải miết tìm kiếm gì đó trong đống giấy tờ. Bà Phương vào lặng lẽ như một cái bóng.
Bà Phương: – Kìa, Song Ánh, con lục tìm gì vậy?
Song Ánh: – Mẹ vẫn chưa biết gì à?
Bà Phương: (hốt hoảng) – Có chuyện gì vậy con?
Song Ánh: – Người ta đang đồn ầm lên về ba…
Bà Phương: – Ừ thì dư luận quần chúng, miệng lưỡi thiên hạ! Bây giờ ai mà chả là đối tượng cho người đời xì xào bàn tán hả con.
Song Ánh: – Đằng này lại khác. Có một ông thầy bói mù đã nói là ba từng sát hại đồng đội giữa chiến trường.
Bà Phương: – Hả, ông ấy nói ở đâu?
Song Ánh: – Ở giữa chợ. Khu chợ ba đang chỉ đạo việc xây dựng lại.
Bà Phương: – “Sát hại đồng đội giữa chiến trường”. Ánh ơi. Ai mà dám nói ba con như vậy. Con đừng bao giờ tin. Ba con là một người rất tốt.
Song Ánh: – Dạo này con thấy ba khác lắm. Mẹ ngủ say chắc mẹ không biết đó thôi! Nhiều đêm con nghe vọng ra tiếng ba mê sảng những điều thật đáng sợ: “chim cú”, “vực thẳm”, “máu”. Có đêm con còn thấy ba ra phòng khách ngồi hút thuốc một mình suốt đêm. Mẹ phải hỏi xem có chuyện gì xảy ra với ba.
Bà Phương: – Có lẽ ban ngày ba con bận nhiều việc quá, mệt mỏi mà đâm ra mê sảng, suy nghĩ vậy thôi! Sắp bầu cử rồi con ạ! Mẹ biết ba có nhiều viêc phải lo nghĩ lắm.
Song Ánh: – Con nghĩ là người ta sống sao thì mê cũng vậy. Có giấc mơ nào không nằm trong khối óc con người đâu.
Bà Phương: – Cuôc sống phức tạp lắm. Bây giờ người ta vu khống đặt điều cho nhau là chuyện bình thường. Mà ba con thì lại chuẩn bị ra tái cử hội đồng nhân dân thành phố. Con phải động viên, phải bảo vệ ba con chứ!
Song Ánh: – Con luôn tự hào là con gái của ba. Con biết ba là một chiến sĩ dũng cảm đã từng bắn rơi máy bay Mỹ và được tôn vinh như một người anh hùng.
Bà Phương: – Kìa! Ba con về rồi đó. Ra cất cặp rồi pha sẵn nước cho ba đi con.
Trần Công: (vào) – Chào em.! Chào con gái yêu của ba!
Song Ánh: – Con chào ba! Ba có mệt không? Ba dùng nước gì để con pha cho ba!
Trần Công: – Ba vừa uống cà phê với mấy chú bên ban tài chính rồi con. Có chuyện gì mà ba thấy con có vẻ không được vui?
Bà Phương: – Có chuyện ông thầy bói mù dưới chợ nói gì đó về ông phải không?
Trần Công: – Trời ơi! Kệ người ta! Mình để ý làm gì! Thế mới gọi là chợ chứ! Ngồi xuống đây với ba!
SongÁnh: – Dạ! Thưa ba con phải vô chuẩn bị bài phụ đạo thêm cho mấy em học sinh kém. Con xin phép ba má con vô trong. (Ra nhanh)
Bà Phương: – Tụi nhỏ bây giờ hơn chúng ta ngày xưa nhiều lắm! Chúng nó có những suy nghĩ mà chính em không khỏi băn khoăn.
Trần Công: – Em băn khoăn chuyện gì?
Bà Phương: – Đúng là mấy bữa nay em thấy đêm nào anh cũng trằn trọc không ngủ được. Giờ chỉ có hai vợ chồng với nhau, anh nói với em đi. Anh có chuyện gì phải lo nghĩ không anh?
Trần Công: – Anh nghĩ có lẽ phải triệt hạ tận gốc những kẻ chuyên sống bằng mê tín dị đoan, bói toán tướng số mới đảm bảo tốt cho sự phát triển tâm lý chung của xã hội! Anh vẫn đang sống và làm việc bình thừơng. Có chuyện gì đâu em.
Bà Phương: – Em cũng chỉ hỏi anh vậy thôi! Em biết chồng em chớ! Anh ngồi đây để em ra mua chút đồ ăn. Tối nay em sẽ nấu một bữa thiệt ngon để đãi hai cha con ha. (hôn Trần Công rồi ra nhanh)
Trần Công: (Một mình)- Chẳng lẽ mấy lão thầy bói thật sự có khả năng moi ra được quá khứ của những ngừơi không hề quen biết? Nếu đúng vậy thì sao? Phải tập trung giải quyết xong chuyện này trước ngày bầu cử.
Song Ánh: (Lặng lẽ vào đứng phía sau Trần Công) – Ba, ba nói chuyện với ai vậy ?
Trần Công: – Song Ánh đó à! Không…không…! Ba đang chuẩn bị bản thuyết trình tại buổi thảo luận sắp tới với Hội cựu chiến binh của thành phố! Ủa! Đường sữa ở đâu mà nhiều vậy con?
Song Ánh: – Nghe tin ba mệt các cơ quan đoàn thể mang đến tặng.
Trần Công: – Ba đã nói là đừng nhận mà. Con đem trả hết đi.
Song Ánh: – Con biết làm sao được. Họ nói đó là tình cảm họ dành cho ba.
Trần Công: – Tình cảm à? Làm gì có tình cảm hở con! Chắc họ lại muốn nhờ ba giúp chuyện gì đó thôi.
(vang lên bản nhạc giao hưởng số 5 của Bethoven)
Trần Công: (hoảng hốt) – Nhạc gì mà khủng khiếp vậy con?
Song Ánh: – Ba làm sao vậy? Đây là một trong những bản giao hưởng hay nhất của Bethoven đấy. Chủ đề âm nhạc là Định mệnh. Ngày nào chú nhạc sĩ ở nhà kế bên cũng mở bản giao hưởng này mà. Ba không nhớ sao?.
Trần Công: – À! Phải rồi! Định mệnh! Định mệnh! Ngột ngạt quá. Mở hết các cửa sổ ra cho có chút khí trời đi con.
Song Ánh: (mở cửa ra) – Ba thấy dễ chịu hơn chưa ba?
Trần Công : – Tiếng gì mà ầm ầm dưới đường thế con?
Song Ánh: – Mấy anh thợ điện đang mắc đèn để đón ngày bầu cử sắp đến.
Trần Công: – Cần gì nhiều ánh sáng như vậy! Sao ba nghe thấy có cả tiếng than khóc?
Song Ánh: – Ba lại quên rồi. Có đám tang một anh bộ đội còn rất trẻ gần nhà mình mà ba . Nhìn những vòng hoa trắng mà con thấy thương ảnh quá.
Trần Công: (giật mình) – Lại bộ đội, lại chết hả con! Mà con ơi! vệt gì đỏ rực trên tường vậy?
Song Ánh: – Vệt nắng đó ba. Hoàng hôn đang xuống! Mặt trời đỏ rực như một con mắt lửa nhìn xuống trái đất này. Ba lại đây coi. Mặt trời đẹp lắm ba ơi!
Trần Công: – Con mắt lửa. Đóng cửa sổ lại đi con. Đóng lại!
Song Ánh: – Ba ơi! Ba làm sao vậy? Ba vừa kêu con mở cửa mà ba?
Trần Công: – Đóng lại đi con.
Song Ánh: – Con sợ ba lại khó thở.
Trần Công: – Thà khó thở còn hơn phải nhìn con mắt ấy. Ánh ơi, giá như hôm đó cha con mình đừng xuống chợ!
Song Ánh: – Sao vậy ba?
Trần Công: – Để khỏi nghe lão thầy bói mù nói những điều vớ vẩn.
Song Ánh: – Sao ba phải bận tâm tới nếu ba đã coi đó là những điều vớ vẩn?
Trần Công: – Bởi vì những điều đó gieo vào lòng mẹ con một nỗi ngờ vực.
Song Ánh: – Con và mẹ tin ba lắm! Ba đừng có lo ba! Ba phài giữ gìn sức khoẻ. Ba nghĩ nhiều làm gì. Mẹ tin ba như con luôn tin ba mà. (Tử Du vào, tay xách tòng teng mấy cái lạp xưởng)
Tử Du: – Con chào bác ạ!
Trần Công: – A! Tử Du đó hả? Vô đây con.
Song Ánh: – Anh xách lạp xưởng đi đâu vậy?
Tử Du: – Mấy bữa rồi con ghé ăn cơm mà không có mua gì. Con ngại quá. Con tới thăm bác. Con xin biếu bác vài cân lạp xưởng.
Trần Công: (cười) – Cậu nhà văn trẻ này bày vẽ quá. Nhà văn thường là phải ngang. Nhà văn chân chính thường chẳng chịu biếu xén ai cái gì bao giờ. Dù là ba vợ tương lai cũng không chịu biếu.
Tử Du: – Hì hì! Dạ! Thưa bác! Đây là tình cảm của con dành cho bác. Con cũng mới tập viết thôi! Con chưa dám nhận con là nhà văn đâu bác!
Trần Công: – Phải chịu khó viết con. Nhưng nghe bác dặn nè! Lạp xưởng là lạp xưởng. Ba vợ tương lai là ba vợ tương lai.Còn văn học là văn học!
Tử Du: – Dạ thưa bác, con cũng nghĩ chỉ có văn học mới là vĩnh cửa. Bác có xơi lạp xưởng luôn để con cắt mời bác! Con chọn mua hàng kỹ, có mắc hơn chút nhưng đảm bảo bác xơi miếng nào là đã đời miếng đó.
Song Ánh: – Ghét cái miệng khéo nịnh ba! Anh hổng có bao giờ nịnh con vậy đâu ba. Ba ơi! Nghề dạy học của con cũng là nghề vĩnh cữu phải không ba?
Trần Công: – Đó là một trong những nghề đẹp nhất con ạ!
Tử Du: – Thưa bác! Tập sách chân dung con viết về bác sắp hoàn thành rồi.
Song Ánh: – Anh đã viết những gì về ba nói thử em nghe coi?
Trần Công: – Thử tóm tắt những điều con đã viết trong một câu thật ngắn gọn coi!
Tử Du: – Dạ! (đọc) Con xin phép bác cho con tóm tắt. “chính là anh, phết, người chiến sĩ dũng cảm hôm qua, phết, dù thương tích đầy mình, phết, nhưng anh vẫn bắn rơi máy bay giặc, phết nữa, và hôm nay, phết nữa, vẫn chính là anh, lại phết nữa, người con trung hiếu của nhân dân, thêm một phết nữa, tấm gương anh hùng cho các thế hệ mai sau, ba chấm than liên tiếp!!!”
Trần Công: – Có nhất thiết phải cần ba chấm than liên tiếp như vậy không con?
Tử Du: – Con muốn nhấn vào đó mà bác.
Song Ánh: – Anh phải viết thiệt ấn tượng em mới chịu đó!
Trần Công: – Khó đó con ạ, bất cứ cuộc chiến tranh nào cũng có những điều chẳng dễ nói ra chút nào! Chỉ khi bước qua rồi mới nhận ra là nó khủng khiếp.
Tử Du: (sốt sắng) – Có phải giống như những đoàn dân công chân bước mòn đá núi không bác?
Trần Công: – Đó chỉ là một trong số rất nhiều điều phải viết con ạ!
Tử Du: – Con có thêm một điều nữa đây. Những đoàn quân lấy thân mình làm cầu làm đường cho xe tiến vào tiền tuyến.
Trần Công: – Điều đó cũng đã từng xảy ra con ạ!
Tử Du: – Đó! Đó! Đó chính là điều kì diệu đã góp phần làm nên chiến thắng! Viết đoạn này con thấy phê quá bác ơi!
Trần Công: – Song Ánh! Con vô pha cho ba ấm trà!
Song Ánh: – Dạ! (ra nhanh)
Trần Công: – Tử Du! Lại gần đây bác hỏi!
Tử Du: – Con đây ạ. Câu hỏi nào của bác con cũng sung sướng được trả lời.
Trần Công: – Người chết có thể sống lại được không con?
Tử Du: – Dạ không. Sao tự nhiên bác lại hỏi con vậy?
Trần Công: – Trả lời bác nghe coi! Theo con, người chết có thể hiện về nhập vào người đang sống được không?
Tử Du: – Dạ! Điều đó còn phụ thuộc vào sự phát triển trong thế giới của những linh hồn. Bác đang nghiên cứu về người chết à?
Trần Công: (sực tỉnh) – Người chết à?…À! Không!Đây là chủ đề bác sẽ phát biểu tại cuộc hội thảo về phát triển nuôi chim cút ở thành phố.
Tử Du: – Sao chim cút lại liên quan đến người chết?
Trần Công: – Chết thiệt. Bác quên. Đây là vấn đề ban quản lí nghĩa trang Thành phố mời bác tới nói chuyện trong dịp tới.
Tử Du: – Bác mắc bận nhiều công chuyện quá.
Trần Công: – Bận lắm con ạ. Xã hội ta còn rất nhiều điều bề bộn phải làm. Con hãy viết về cuộc sống hôm nay. Đừng nhắc tới chiến tranh nữa. Con chưa đi qua nó, chưa sống trong nó, làm sao con có thề hiểu hết được. Mà bác hỏi thêm này! Theo con, nhìn thấy người khác sắp chết mà không cứu thì có phải là sát hại người ta không?
Tử Du: – Dạ! Cũng còn tùy từng trường hợp bác ạ!
Trần Công: – Tử Du này! Theo con mấy ông thầy bói có thể biết được những chuyện mà chỉ một người biết không?
Tử Du: – Lúc có lúc không khó giải thích lắm bác ạ.
Trần Công: – Có…không…! Con không cần phải giải thích gì đâu. Đợt này bác sẽ mở chiến dịch chống mê tín dị đoan trong thành phố.
Song Ánh: (Ra với khay trà trên tay) – Con mời ba uống trà! Sao dạo này con thấy ba toàn phải lo những chuyện chim cút với chống mê tín dị đoan, rồi sinh đẻ có kế hoạch, rồi giữ gìn vệ sinh thành phố. Ngày trước con thấy ba làm những việc khác mà. Con còn nhớ ba toàn đi xác minh thực tế để phong anh hùng cho người này, trao cờ thi đua cho cơ quan nọ, cấp bằng khen cho địa phương kia…
Trần Công: – Ba là người của dân! Ba làm tất cả những việc gì cần cho dân..
Tử Du: – Đó! Đó! Đó! Chính là chỗ đó đó! Con sẽ viết bổ sung chân dung về bác như một tấm gương sáng cho người cán bộ tận tụy hôm nay. Ngừơi cán bộ của dân, do dân và vì dân.
Trần Công: – Đừng! Đừng viết con! Đừng viết con! Bác hơi mệt! hai đứa ngồi chơi với nhau. Bác đi nghỉ đây. Ngày mai ba mắc bận rất nhiều việc.
Song Ánh: – Sao ba nói con vô pha trà cho ba mà ba lại không uống hả ba?
Trần Công: – Ba nói con vô pha trà hồi nào?
Song Ánh: – Dạ, mới vừa đó ba! Ba lại quên rồi! Để con đưa ba vô nghỉ!
Trần Công: – Ngồi đó chơi với Tử Du! Ba tự vô được! (vào nhanh)
Song Ánh: – Em lo cho ba quá! Mấy bữa nay ba khác với bình thường lắm.
Tử Du: – Tin anh đi. Anh sẽ làm cho hình tượng “ba” chúng ta sống mãi.
Song Ánh: – Tại sao anh lại muốn viết về ba?
Tử Du: – Theo em, nếu anh không viết về ba thì viết về ai bây giờ?
Song Ánh: – Tại sao anh lại yêu em? Đừng có nói là nếu anh không yêu em thì anh không biết yêu ai khác?
Tử Du: – Nếu em mà biết tại sao anh yêu em thì chắc gì em còn yêu anh.
( Song Ánh và Tử Du nhìn nhau một lát. Họ hôn nhau bên ô cửa sổ. Thành ôm đàn chạy vào làm không gian náo động. Lệ chạy theo sau)
Thành: (hát) – “Cao cao bên khung cửa sổ có hai người hôn nhau. Đường phố ơi, hãy im lặng để hai người hôn nhau…Chim ơi!…” (chuyển bài) “biết dùng lời rất khó! Để mà nói rõ ôi biết nói gì cuộc tình lớn quá”
Tử Du: – Kìa Lệ! Thành, các bạn đến từ khi nào vậy!
Lệ: – Đừng lại gần, anh ấy đang lên cơn đó!
Thành: (tát Lệ) – Lên cơn! Lên cơn là sao! (hát) “Anh lên xe, trời đổ cơn mưa. Cái gạt nước xua đi nỗi nhớ”… “hãy hát lời lửa cháy, bằng trái tim tình yêu. Hãy hát lời tình yêu, bằng lửa cháy trong tim”
Song Ánh: – Lệ ơi! Làm thế nào bây giờ?
Tử Du: – Không lo, anh sẽ có cách! Ê, xin chào nghệ sĩ Thành , có nhận ra bạn học ngày xưa không?
Thành: (hát) – “Người chiến sĩ ấy, tôi đã gặp anh, không thể nào quên, không thể nào quên…”
…Nghiêm. Nghệ sĩ Thành xin chào nghệ sĩ Tử Du. Nè, nghệ sĩ Thành có cái áo mới này! (hát) “tấm áo ấy bấy lâu nay con thường vẫn mặc. Để nhớ ngày…”
Tử Du: (vỗ vai) – Giỏi lắm! Giỏi lắm! Đi chơi với mình đi! Từ hồi ra trường đã đi chơi với nhau bao giờ đâu.Lá la là la la la lá là!…Đi!
(họ bá vai nhau ra…Lệ bỗng ôm mặt oà khóc…)
Song Ánh: – Lệ ơi, đừng khóc nữa!
Lệ: (nghẹn ngào) – Hôm nay…Bà con trong chợ góp tiền để Lệ mua áo mới cho anh ấy. Lệ ra đây thăm Ánh. Lệ đem hoa đến tặng Ánh này.
Song Ánh: – Hoa đẹp quá! Lệ còn nhớ không! Ngày chúng mình học phổ thông với nhau, chiều nào anh Du, anh Thành cũng dẫn bọn mình đi chợ hoa chọn mua những bông hoa đẹp như vầy.
Lệ: – Lệ vẫn mang hoa từ chợ về bán mà. Đây là bó hoa đẹp nhất Lệ dành tặng Ánh.
Song Ánh: – Ngày học phổ thông vui thật. Nào ngờ bây giờ anh Thành lại bị như vầy. À! Lệ ơi, Lệ đừng buồn nữa! Ánh tặng Lệ chiếc vòng này. Ba Ánh đi nước ngoài mua về cho Ánh đó!
Lệ: – Chiếc vòng đẹp quá! Nhưng mà Ánh đeo đi! Tay Ánh mới cần. Tay Lệ quét rác thì cần gì!
Song Ánh: – Hay Lệ đeo bông tai. Ánh tặng Lệ đôi bông tai. Bông tai của ngoại xịn đó.
Lệ: – Đẹp quá. Nhưng Ánh đeo đi. Lệ không đeo được đâu!
Song Ánh: – Sao vậy?
Lệ: – Khi anh ấy lên cơn, thấy lạ mắt. Anh ấy sẽ giựt mất.
Song Ánh: – Lại còn có chuyện đó nữa hả? Lệ ơi! Cuộc sống của Lệ giờ ra sao?
Lệ: – Toàn nước mắt thôi Ánh ạ! Suốt ngày đêm anh ấy hát những bài ca trên đài vẫn phát. Mình đã cố gắng giúp anh ấy phân biệt mọi thứ. Chỉ cần lấy một phút, một phút thôi anh ấy tỉnh lại mà không được.
Song Ánh: – Mình hiểu! Lệ! Hay Lệ chọn một người khác đi.
Lệ: – Cũng rất nhiều người khuyên mình như vậy, cả ba anh ấy nữa. Hôm ba anh ấy hấp hối, ông vừa khóc, vừa nắm tay mình mà nói: “ Lệ ơi! Lệ ơi! Con đi lấy chồng đi, để mặc thằng Thành đấy cho đời. Nhìn con khổ mà ba không sao nhắm mắt được!”
(Im lặng rất lâu)
Song Ánh: – Ba anh ấy đã nói vậy sao Lệ không yêu một người khác cho đỡ cực?
Lệ: – Mình không thể bỏ rơi anh ấy được. Một phần vì những năm tháng chúng mình đã yêu nhau, những bài ca anh ấy hát tặng mình, rồi vong linh của ba anh ấy. Rồi tương lai và cả những ước mơ trở thành nhạc sĩ của anh ấy nữa. Nhưng hơn cả là từ trong đôi mắt dại khờ của anh ấy mình vẫn thấy một ngọn lửa sáng lên như muốn nung đốt một cái gì đó, muốn thiêu huỷ một cái gì đó. Mình tin rồi ngày mai ngọn lửa ấy sẽ rực cháy. Mình tin, mình tin vào điều đó…
(Im lặng rất lâu)
Song Ánh: – Nhưng người ta không thể sống bằng quá khứ. Mà tương lai thì mờ mịt quá. Lệ, Lệ có hiểu mình nói không! Lệ sẽ già đi mất, sắc đẹp của Lệ sẽ tàn phai. Lệ ơi, Lệ có hiểu không? Lệ đẹp lắm! (đưa cho Lệ chiếc gương nhỏ).
Lệ: – Mình đẹp lắm à?
Song Ánh: – Đẹp lắm! Phải nghỉ đến mình một chút. Phải thực tế.
Lệ: Thực tế! Ánh ơi! Chỉ cho mình biết với! Thực tế nghĩa là gì?
Song Ánh: Lệ vẫn chưa hiểu sao? Thực tế nghĩa là Lệ không thể sinh cho bản thân và xã hội những đứa con…không bình thường.
Lệ: Những đứa con…không bình thường…(oà khóc). Không…Ánh ơi… Không!!!
(từ bên ngoài bỗng vọng vào tiếng hát thiết tha của Thành)
Thành: “Nắng có buồn bằng đôi môi em. Mưa có buồn bằng đôi mắt em. Tóc em từng sợi nhỏ, rơi xuống đời làm sóng lênh đênh”.
Lệ: Anh Thành! Anh Thành lại hát rồi. Anh Thành ơi!
(chạy vụt ra theo tiếng hát)
Trần Công: (vọng ra tiếng mê sảng) Không, tôi không sát hại anh mà. Không phái tôi, không phải tôi. Đừng cười như thế. Đừng! Hãy buông tôi ra. Xin Đừng dày vò tôi như thế! Đừng!
Song Ánh: Ba! Ba ơi! Ba làm sao vậy!
( Song Ánh lặng nhìn vào buông rồi bất chợt ôm chặt lấy đầu mình)
Đèn tắt
CẢNH BA
Chợ đêm dưới cơn mưa xối xả. Bóng Thành đứng vật vã hát dưới cơn mưa. Sấm chớp ầm ầm. Bác Trung bị ốm. Tom đang cố thuyết phục bác Trung ăn cháo. Cơn mưa rộ lên rồi ngớt dần. Mưa ngớt dần. Không gian yên tĩnh vắng lặng. Trăng ló ra giữa đỉnh trời. Tom bón cho bác từng muỗng cháo. Vọng lên tiếng cú đêm thoảng thốt.
Thằng Tom: – Bác Trung! Bác cố gắng ăn thêm mấy muỗng cháo nữa cho ra mồ hôi. Bác lại lên cơn sốt nữa rồi.
Bác Trung: – Ừ! Con cứ kệ bác! Khuya rồi! Con về nhà đi chắc mẹ con lại đang đợi ở nhà đó. Về đi con.
Thằng Tom: – Con phải đợi bác ăn hết cháo đã. Hay bác Trung về nhà con ngủ đi. Đêm thì lạnh mà bác đang sốt.
Bác Trung: – Không được đâu Tom ạ!
Thằng Tom: – Vậy thì con ngủ lại đây với bác, để bác nằm lại đây một mình con lo lắm.
Bác Trung: – Đừng lo cho bác. Tom à! Có phải trăng đêm nay sáng lắm phải không con?
Thằng Tom: – Sáng lắm bác ơi!
Bác Trung: – Mà hình như mây đang che khuất mất ánh trăng phải không con?
Thằng Tom: – Đúng rồi! Một đám mây sắp nuốt chửng lấy trăng! Ủa sao bác biết?
Bác Trung: – Tiếng cú kêu. Ngày trước, ở Trường Sơn những đêm trăng sáng thế vầy vui lắm con! Nhưng hễ bác nghe tiếng cú kêu thì trăng bị mây che.
Thằng Tom: – Thật vậy sao bác?
Bác Trung: – Ừ, thôi khuya lắm rồi! Con về đi, mai còn dậy sớm đi lấy báo.
Thằng Tom: – Mai con lấy thêm tranh về cho bác bán nha..
Bác Trung: – Ừ! Để vài bữa nữa con. Hổm rày bán ế quá.
Thằng Tom: – Mùng của bác đâu! Để con giăng mùng cho bác rồi con về.
Bác Trung: – Mấy đứa ăn trộm lấy mất tiêu của bác rồi.
Thằng Tom: – Bọn khốn nạn! Có mỗi cái mùng mà nó cũng lấy . Để con lấy cái mùng của con cho bác. Bác chờ con chút nha. (chạy ra)
( có tiếng cú rúc)
Bác Trung: – Kìa! Tom! Tom!…Tiếng cú! Tiếng cú…ai đó?.
Trần Công: (rón rén vào) – Ông thầy bói mù.
Bác Trung: (giữ túi áo) – Ai vậy? Ai mà gọi tôi giữa đêm khuya khoắt như vậy?
Trần Công: – Tôi đây mà! Xin bác cảm phiền giúp tôi một việc.
Bác Trung: – (Ngờ ngợ) – Việc gì? (quát) Tao không còn gì cho tụi bay lấy nữa đâu. Có cái mùng tụi bay cũng lấy mất. Cút đi! Lần này tụi bay không lừa được tao nữa đâu!
( Bà Ngà vào. Bà ôm chiếc mùng trong tay… Nhìn thấy Trần Công bà nấp vào bóng tối)
Trần Công: – Tôi đây mà! Tôi đâu muốn lấy cái gì của ông. Đừng la lên như vậy.
Bác Trung: – Cái giọng nói! Đúng rồi…Vẫn là cái giọng nói đó.
Trần Công: – Phải! Tôi là Trần Công đây! Ông có đôi tai và trí nhớ tuyệt diệu.
Bác Trung: – Chuyện gì khiến ông ra chợ giữa đêm khuya thế này?
Trần Công: – Vì ban ngày tôi rất bận.
Bác Trung: – Ông muốn gì ở tôi?
Trần Công: – Hôm tôi xuống đây khảo sát thực địa. Ông nói rằng tôi là kẻ đã từng sát hại đồng đội của mình ở giữa chiến trường. Điều đó cứ dày vò tôi suốt. Giờ chỉ có tôi với ông, tôi muốn hỏi vì đâu mà ông nói điều đó.
Bác Trung: – Sao giọng ông run lên vậy…
(Có tiếng cú)
Trần Công: – Tôi lạnh! Tiếng gì kêu vậy?
Bác Trung : – Tiếng cú!
Trần Công: – Ghê rợn quá! Những âm thanh làm chân tay tôi bủn rủn rã rời. Ông hãy trả lời cho lòng tôi được thanh thản. Ông hãy nói cho tôi biết!
Bác Trung: – Ông có một vết sẹo bên ngực trái.
Trần Công: – Phải! Vết thương của tôi từ hồi chiến tranh.
Bác Trung: – Một người đồng đội đã cõng ông đi suốt mấy cây số đường rừng mới tìm được quân y viện.
Trần Công: – Đúng rồi! Nhưng mà…
Bác Trung: – Lại đây! Lại gần đây! Cởi áo ra! Quì xuống.
Trần Công: (Lùi lại) – Tại sao tôi phải quì?
Bác Trung: – Tôi chỉ muốn coi giờ đây vết sẹo của ông ra sao rồi.
Trần Công: – Đây! Ông coi đi.
Bác Trung: (Sờ tay lên ngực) – Đúng rồi! Cả giọng nói, cả dòng máu độc đang chảy trong một hình hài. Côn “lủi”.
Trần Công: – Hả! Sao ông lại biết cái tên đó của tôi?
Bác Trung: – Vì mày hay trốn lủi trong những trận đánh ác liệt! Vết sẹo! Vết sẹo vẫn còn! Chỉ có cái tên là bị đổi khác…Còn nhớ không? Đèo Cô Tiên. Cái tên mới đẹp làm sao!
Trần Công: – Và cũng lắm mồ hôi, máu, nước mắt làm sao. Biệt kích thám báo rình rập, máy bay cày xới con đường chiến lược .
Bác Trung: – Con đường mới vĩ đại làm sao. Tôi làm tiểu đội trưởng.
Trần Công: – Tôi phụ trách đại liên.
Bác Trung: – Tôi đã phân công cho cậu khống chế địch với nhiều đạn nhất …
Trần Công: – …Để có nhắm mắt bắn cũng không sợ bị hết đạn…
Bác Trung: – Trận đánh ấy diễn ra vào lúc hoàng hôn .
(Cảnh phục hiện)
Bác Trung: – Kìa! Côn bắn đi! Sao lại bỏ chạy!… Bắn đi Côn! Chết này…chết này…
Trần Công: – Trung ơi ! Trốn đi! Máy bay Cán Gáo nó đến đấy.
Bác Trung: – Máy bay Cán Gáo này! Chết này…chết này….! Nhằm thẳng máy bay địch mà bắn.
Trần Công: – Kìa Trung! Nó bắn rocket kìa! A!A!A! Trúng rồi! Máy bay Mỹ cháy rồi!
Bác Trung: – A!A!A! Côn ơi sao vừa mới rồi còn sáng mà bây giờ lại tối thế này! Côn ơi! Cứu mình với! Mặt trời đâu rồi! Mặt trời đâu rồi! Côn ơi!
Trần Công: – Trung ơi! Rocket làm cậu bị thương ở mắt rồi.
Bác Trung: – Mình mù thật rồi! Côn ơi! Cậu có làm sao không cứu mình với .
Trần Công: ( Giả vờ) – … Mình! Mình cũng bị thương!
Bác Trung: – Có nặng không! Lần này thì mình không còn cõng cậu được nữa rồi. Côn ơi! Mắt cậu còn sáng, chỉ đường cho mình với!
Trần Công: (Một mình) – Côn ơi ! Cứng rắn lên! Cả đời mày chỉ có một lần này thôi. Bên trái là đường xuống vực, bên phải là rừng. Bên trái, bên phải ! Trung ơi bò lại đây. Bên… bên … bên trái …
Bác Trung: – A. A. A. Côn ơi! Cứu mình với! Mình rơi xuống đâu thế này. Cứu mình với. Kéo mình lên Côn ơi. Mình mỏi tay quá rồi.
Trần Công: – Trung ơi! Cậu bị mù rồi! Sống cũng chẳng để làm gì nữa .
Bác Trung: – Côn ơi! Cứu mình với. Mẹ mình chỉ còn một mình mình thôi. Cứu mình với Côn ơi..
Trần Công: Trung! Hãy tha thứ cho mình! Cậu bị mù rồi thì còn cần gì nữa .
Bác Trung: A. A. A. Thằng phản bạn! A…
Trần công: – Mình là thằng phản bạn! Nhưng từ nay chẳng ai gọi mình là Côn “lủi” nữa. Chiến công bắn rơi máy bay này sẻ thuộc về mình.
Bà Ngà: (Từ bên ngoài) – Anh Côn từ mé rừng bên kia, tụi em nghe thấy tiếng rocket, tiếng đại liên. Máy bay Mỹ cháy đâm vào núi. Anh Côn, anh giỏi quá. Anh đã cứu trạm quân y, cứu hàng trăm thương binh. Anh Côn, em yêu anh quá!
Trần Công: – “Búp măng rừng Trường Sơn”! Em đấy à!
(Hết cảnh phục hiện. Trở lại cảnh chợ đêm.)
Bác Trung: – Nhớ chưa, nhớ ra chưa?
Trần Công: – Ông thầy bói! Sao ông biết những điều đó để nói với tôi?
Bác Trung: – Tôi không nói, chỉ có sự thật đang tự trở về trong trí nhớ của ông.
Trần Công: – Không phải tôi! Không phải tôi! Ông lầm rồi!
Bác Trung: – Người ta có thể thay hình đổi dạng nhưng lương tâm thì không có gì che đậy được! Đã tới lúc cuộc sống phải được thức dậy, cày xới, lật lên từ mọi tầng sâu cho ánh sáng rọi tới để tìm thấy giá trị đích thực của mỗi con người.
Trần Công: (Một mình) – Làm sao một ông già mù sống ở giữa cái chợ bẩn thỉu, hôi hám này lai có thể biết được? Hay oan hồn Trung đã nhập vào ông ấy? Mà sao trông ông ấy giống Trung đến kỳ lạ? Đúng là Trung rồi, Trung ơi! Cậu sống khôn chết thiêng xin cậu hãy tha thứ cho mình. Bao năm nay mình vẫn thầm khấn trước vong linh cậu. Mình đã vào tận Trường Sơn xây cho cậu một cái miếu thờ bên bờ vực ấy, mình lo toan cho mẹ cậu tới tận lúc bà cụ qua đời. Mình luôn nói với Phương về cậu! Bây giờ bọn mình có một gia đình hạnh phúc, với đứa con gái. Cậu hãy thương hại đừng hiện về dằn vật mình nữa.
Bác Trung: – Phương? Một gia đình hạnh phúc? Côn, tao đây! Tao là Hoàng Văn Trung bằng xương bằng thịt đây.
Trần Công: – Hả! Trung, cậu còn sống thật sao?
Bác Trung: – Phải!
Trần Công: – Không, không thể như thế được. Rõ ràng chính đôi mắt này đã nhìn thấy xác kia đập vào đá.
Bác Trung: – Một người dân tộc đã cứu sống tao.
Trần Công: – Và cậu đang đứng trước mặt mình.
Bác Trung: – Phải!
Trần Công: – Cậu già đi nhiều quá. Già đến mức này sao?. Những vết sẹo đã làm mặt cậu đổi khác.
Bác Trung: – Còn tao thì không được thấy cái mặt của mày bây giờ như thế nào. Nhưng tai tao vẫn đang nghe thấy hơi thở gấp gáp của con thú bị vạch mặt. Mũi tao vẫn ngửi thấy cái mùi đểu giả từ người nó toát ra. Trần Côn! Chỉ thế thôi là đủ để tao hình dung ra mày rồi.
Trần Công: – Trung ơi, mình xin cậu. Xin cậu đừng nguyền rủa mình nữa. Từ dạo đó mình đã sám hối. Mình đã tâm niệm sống tốt hơn. Mình đã làm nhiều việc có ích cho nhân dân, đất nước để chuộc mọi tội lỗi. Ví dụ như đợt này mình sẽ xây lại khu chợ nơi chính cậu đang ngồi cho bà con đỡ cực.
Bác Trung: – Ông sẽ đặt tên chợ là gì ?
Trần Công: (Ngơ ngác) – Sao? Từ xưa tới giờ khu chợ này chưa có tên sao?
Bác Trung: – Có! Chưa có! Có! Chợ đời! Tên nó là chợ đời. Và ông hãy mãi mãi nhớ rằng cái chợ đời này phải được xây nên từ sự sạch sẽ, trung thực, từ lòng tốt và lương tri của mỗi con người chứ không phải từ sự lọc lừa, phù phiếm, giả tạo.
Trần Công: – Mình hiểu! Mình hiểu! Nhân dân tin mình! Họ ủng hộ mình xây lại chợ mà.
Bác Trung: – Nếu nhân dân tin ông thì ông hãy thú nhận tất cả việc ông đã làm hôm qua để đừng phụ lòng tin của họ hôm nay. (có tiếng cú)
Trần Công: – Tiếng cú! Làm thế nào cho tiếng cú kia đừng kêu nữa?
Bác Trung: – Chỉ có ánh sáng mặt trời thôi.
Trần Công: – Không được đâu Trung ạ! Mình xin cậu! Không lẽ chỉ vì điều đó mà mọi cố gắng của cuộc đời mình sẽ tiêu tan hết ?
Bác Trung: – Côn! Thì ra mày vẫn vậy! Ngày hôm qua, mày dẫm lên xác đồng đội để leo lên. Ngày hôm nay mày lợi dụng lòng tin của mọi người, xây cái chợ để dỗ dành họ để lại leo lên nữa. Mày vẫn chỉ nghĩ tới cuộc đời của riêng mày.
Trần Công: – Mình! Mình sẽ làm nô lệ cho cậu. Mình sẽ chiều theo ý muốn của cậu. Biên chế! Công ăn việc làm! Hay là nhà ở. Hay là đi nước ngoài?
Bác Trung: – Giọng lưỡi nó! Giọng lưỡi nó trước sau vẫn vậy.
Trần Công: – Đừng! Đừng bắt mình phải tự thú!
Bác Trung: – Trần Côn nếu mày chưa vượt qua nỗi gian dối này thì mày sẽ chẳng ngại ngần gì bước vào những gian dối khác.
Trần Công: – Kìa Trung! Tại sao! Tại sao cậu bỗng hiện về chém ngang vào cuộc đời mình. Tại sao cậu lại bắt mình phải đổi tất cả để lấy cái phần đời cỏn con còn lại của cậu. Vì cái gì? Vì cái gì?
Bác Trung: – Vì con người. Vì tương lai của cái chợ Đời này. Mày phải tự thú.
Trần Công: (Bê một tảng đá) – Tao sẽ…
Bác Trung: – Côn! Mày sẽ chẳng bao giờ giết tao một lần nữa. Ngày xưa mày hãm hại tao giữa một rừng cây, còn bây giờ tao đang ngồi đây giữa một rừng người.
Trần Công: – Được rồi! Được rồi! Mình sẽ ra tự thú trước nhân dân. Chỉ có điều là cậu đừng bao giờ nhận là cậu còn sống. Hãy mãi mãi là một ông thầy bói mù bán tranh dưới chợ.
Bác Trung: – Sao phải như vậy?
Trần Công: – Cho Phương đỡ oán hận mình. Bọn mình đã sống với nhau ngần ấy năm. Mình xin cậu đừng khuấy động lại quá khứ đau buồn ấy làm gì. Chúng ta hãy vì cô ấy! Mà dù sao thì hình ảnh của cậu trong tâm trí cô ấy cũng đã xa xôi lắm rồi.
Bác Trung: – Phương… Được rồi! Được rồi! sẽ chẳng bao giờ nữa. Được rồi… đi đi…
(Trần Công ra, bà Ngà ôm mùng lao vào)
Bà Ngà: – Ông Trung! Tôi mang mùng ra cho ông đây! Ông Trung! Tôi đây nè! Tôi là búp măng rừng Trường Sơn ngày xưa đây nè. Sao mấy tháng ngồi đây mà không nhận ra ông. Cả ông nữa. Sao ông không nhận ra tôi?
Bác Trung: – Ngà! “Búp măng rừng Trường Sơn” thật à ?!
Bà Ngà: – Sao chúng ta không nhận ra nhau ?
Bác Trung: – Những nỗi đau đã làm chúng ta đổi khác. Mà tại sao? Tại sao Ngà lại phiêu bạt về mảnh đất chợ này ?
Bà Ngà: – Tôi cũng đi tìm! Tìm một con người! Nào ngờ lại chính là con người ông đang tìm kiếm.
Bác Trung: – Trần Côn à?
Bà Ngà: – Vâng! Tôi đã nhận ra ông ấy từ khi ông ấy xuống chợ. Tôi đã định lao tới ôm chầm lấy ông ấy và nói rằng “Tom ơi! Cha của con đây nè! Con hãy lại bên cạnh cha con đi”
Bác Trung: – Tại sao Ngà không làm vậy cho thằng Tom đỡ tủi! Mà thằng Tom là con ông ấy thật à?
Bà Ngà: – Vâng! Ngày đó, tôi đã giấu tất cả vì ông ấy được đưa vào danh sách xét duyệt đề nghị phong danh hiệu anh hùng. Một người anh hùng thì không thể tì vết, sứt mẻ, không thể có tội lỗi, dù tội lỗi đó là tình yêu!
Bác Trung: – Ngày đó…phải rồi.
Bà Ngà: – Ngay cả lúc gặp ông ấy ở chợ, tôi vẫn đinh ninh là ông ấy là hiện thân của người anh hùng thuở trước mà không lẽ người anh hùng đó, người cán bộ bự của thành phố đó lại có đứa con làm giả chó đi bán báo, lại có người vợ nghèo hèn bán thuốc nam ở chợ.
Bác Trung: – Ngà! Trong tâm trí tôi, Ngà vẫn nguyên vẹn như “búp măng rừng Trường Sơn” ngày nào.
Bà Ngà: – Không! Bây giờ tôi sẽ không yên lặng nữa tôi sẽ đi tố cáo. Tôi sẽ nói với tất cả mọi người rằng ông ấy là một kẻ xấu xa, đê tiện.
Bác Trung: – Đừng, đừng, Ngà ơi, tôi xin Ngà.
Bà Ngà: – Tại sao ông lại không tố cáo ông ấy. Tôi đã nghe hết câu chuyện giữa hai người. Ông Trung. Tại sao ông lại không muốn tố cáo ông ấy?
Bác Trung: – Đừng, đừng, Ngà ơi, tôi xin Ngà! Còn Phương nữa. Tôi xin Ngà hãy vì tôi mà đừng nói ra sự thật đó. Cô ấy đã yêu, đã tin, đã có một gia đình hạnh phúc, một cuộc đời trọn vẹn, với những ước mơ trong sáng ngày nào. Cô ấy sẽ đau khổ và tuyệt vọng biết bao nếu cô ấy biết sự thật này. Hãy cứ để cho cô ấy tin là mình hạnh phúc. Cùng là phụ nữ với nhau tôi xin Ngà hãy vì cô ấy mà đừng tố cáo.
Bà Ngà: (Khóc) – Ông Trung! Tôi xin nghe lời ông.
(Họ đứng bên nhau giữa đêm trăng sáng …..)
Đèn tắt
CẢNH BỐN
( Chợ lúc tờ mờ sáng.Tthằng Tom đang ngồi buồn thiu ở một góc chợ. Thành mon men xuất hiện nấp phía sau thằng Tom. Thành bò gần lại phía sau lưng Tom rồi rón rén giơ chiếc song loan ra gõ hai tiếng ngay sát bên tai Tom. Tom giật mình nhìn quanh. Thành nhanh nhẹn biến vào chỗ nấp. Tom lại chìm đắm trong nỗi dày vò suy nghĩ. Thành lại từ từ xuất hiện ở chỗ nấp. Lần này nó gõ thêm ba, bốn tiếng song loan. Tom nhận ra Thành. Nó lờ đi.
Thành bò nhanh ra từ chỗ nấp sủa gâu gâu giống hệt một con chó đang trong cơn vui sướng. Nó vừa lao tới dụi đầu vào Tom hai, ba lần vừa sủa. Tom vẫn làm ngơ. Nó nhấc chân lên giống hệt như con chó đái để pah trò trêu ghẹo Tom. Tom vẫn làm ngơ. Nó mon men lại gần giơ chân như đái vào đầu Tom. Tom lừơm Thành. Thành khoái chí, ra một góc nằm vật ngửa ra sủa gâu gâu sung sướng.
Tom chồm tới vật Thành ngã ngửa ra vì túc giận. Thành chồm dậy lao vào Tom. Hai đứa vật nhau một hồi rồi nằm vật xuống sàn vì mệt. Rất chậm và sâu lắng, Thành bỗng từ từ ngồi dậy nhìn hút về một nơi xa xăm nào đó trong không gian. Thành bỗng cất tiếng hát hành khúc của những ngừơi lính với tất cả trái tim và tâm hồn nó. Nó hát và khóc.
Tom ngồi dậy ngạc nhiên nhìn Thành. Nó im lặng lắng nghe tiếng Thành hát. Nó bò lại định chạm tay vào vai Thành đang khóc nhưng bàn tay nó bỗng dừng lại như thể nó sợ bàn tay nó chạm vào sẽ làm tan vỡ một điều gì đó lung linh và kỳ diệu. Nó ngồi im bên Thành. Hai đứa ngồi im lặng bên nhau rất lâu không ai nói gì. Ánh mắt Thành vẫn hướng về nơi xa xôi.
Thằng Tom bất ngờ giả làm chó sủa gâu gâu như cố pha trò cho Thành vơi đi nỗi buồn. Nó cũng lao tới dụi đầu vào vai vào bụng Thành nhưng Thành vẫn ngồi làm ngơ như một bức tựơng. Tom chọc ghẹo Thành mãi không được, nó bò lồm cồm tới dùng miệng ngoạm lấy chiếc song loan rơi trên đất rồi bò lồm cồm mang chiếc song loan lại cho Thành.
Thành thấy chiếc song loan. Nó nhận ra Tom. Nó đỡ chiếc song loan từ mồm Tom, nó nhìn sâu vào mắt Tom và bất ngờ đứng dậy hô: “Nghiêm” và giơ tay chào như một ngừơi lính. Tom nhanh nhẹn làm theo. “Nghệ sĩ Thành xin chào nghệ sĩ Tom!” Tom trả lời: “Nghệ sĩ Tom xin chào nghệ sĩ Thành!” Rồi Thành khoác vai Tom, hát vang bản hành khúc và bước đều ra.
Một màn sương mờ buông xuống chùm phủ lấy chợ. Vẳng lên đâu đó tiếng đàn cò rất buồn của một người không ngủ được. Một đám người đi chợ sớm. Đầu đội nón tay mang mẹt, mang rổ đi vào. Bà Phương như bị cuốn theo dòng ngừơi ấy. Bà như muốn hỏi từng người nhưng họ đều úp nón, úp mẹt che mặt quay đi.)
Bà Phương: ( Độc thoại) – Đâu rồi. Mọi người đâu hết cả rồi. Kìa. Có ai cho tôi hỏi? Tại sao một tội lỗi khủng khiếp như vậy lại có thể gán ghép cho chồng tôi mà không phải ai khác? Chồng tôi mà là người sát hại đòng đội giữa chiến trường ư? Không, không thể, chồng tôi hiền lành nghiêm túc, nặng lời với vợ cũng không nỡ, đánh con cũng không đành. Mấy đứa bạn gái vẫn thường ghen tị khi thấy tôi hạnh phúc đó thôi. Nhưng bây giờ, nếu họ nghe thấy chuyện này thì họ sẽ nghĩ như thế nào? Cả khu chợ mù mịt kia, sao chẳng ai an ủi tôi lấy một tiếng vậy. Hình như họ còn nhìn tôi mà cười nữa. Tôi xin hỏi tất cả những người đàn bà đã từng yêu say đắm, từng vất vả nhịn nhục phụng sự chồng? Các bà sẽ làm gì khi chồng bị đặt điều bôi nhọ…Nhưng mà…. không có lửa thì làm sao có khói. Hay đó là sự thật. Không, không thể như vậy được! Nhưng chẳng lẽ người ta nghĩ ra cho ông à? Hay là ông có thù hằn gì với người ta để người ta đặt điều? Nhưng nếu đó là sự thật thì tôi sao còn mặt mũi nào nhìn với mọi người nữa? Cứ mưa đi! Cứ gió đi! Sấm chớp cứ nổi lên đi. Nhưng chồng tôi không phải một người như vậy! Còn ai hiểu ông ấy hơn tôi được.
(Đám người tan biến mất. Bà Ngà vào chuẩn bị dọn những mẹt thuốc nam ra bán. Bà Ngà chợt nhìn thấy bà Phương. Bà Ngà vồn vã hỏi)
Bà Ngà: – Bà muốn mua gì mà ra chợ sớm vậy?
Bà Phương: – Tôi không mua gì! Tôi chỉ muốn đi tìm một người ở chợ này.
Bà Ngà: – Bà muốn tìm ai nếu biết tôi chỉ dùm.
Bà Phương: – Ông thầy bói mù!
Bà Ngà: – Chắc nhà bà đang chuẩn bị làm gì lớn lắm hay sao mà muốn coi bói. Ông thầy bói mù chưa ra đâu. Phải lát nữa. Bà ngồi đó đợi chút đi. Ông coi hay lắm đó!
Bà Phương: – Tôi không coi bói. Tôi tìm gặp ông ấy có việc. (Có con chuột chạy qua. Bà Phương sợ hãi).
Bà Ngà: – Chợ búa dơ lắm bà! Bà ngồi tạm xuống đó đi. Co hai chân lên đi không chuột, gián chạy qua tội nghiệp bà. Quần áo bà đẹp quá! Vải này không có bán ở chợ này đâu. Co chân lên đi không dơ mất bộ đồ đẹp.
Bà Phương: (Ngồi co chân lên trên một chiếc thúng) – Cảm ơn bà. Bà buôn bán ở chợ này chắc biết rõ về ông thầy bói mù phải không? Trông ông ấy như thế nào? Tôi nghe người ta nói gương mặt ông ấy rất đáng sợ.
Bà Ngà: – Ông ấy dễ thương lắm! Bà đừng nhìn mặt mà bắt hình dong. Ở chợ này ai cũng thương ổng.
Bà Phương: – Ông ấy có vợ có con không?
Bà Ngà: – Ông ấy sống có một mình thôi bà.
Bà Phương: – Hẳn nào ông ấy không hiểu được những điều ông ấy bói toán có thể mang đến những bất hạnh cho gia đình của người khác.
Bà Ngà: – Ông ấy lành lắm bà! Ông ấy không có phá vỡ hạnh phúc gia đình của ai đâu bà. Bà cứ gặp ông ấy bà sẽ thấy những điều tôi nói với bà về ông ấy là không có trật chút nào hết.
Bà Phương: (Phẫn nộ) – Nếu không có trật chút nào thì tôi sẽ hỏi ông ấy vì lẽ gì mà ông ấy lại bói cho chồng tôi là một người đã từng sát hại đồng đội giữa chiến trường. (Im lặng rất lâu) Kìa! Sao bỗng dưng bà nhìn tôi và im lặng vậy?
Bà Ngà: – À! không! Tôi chỉ nhìn bà vì thấy bà đẹp quá thôi mà! Không có chi hết!
Bà Phương: – Nhìn mắt bà tôi biết bà như đang muốn nói với tôi một điều gì đó phải không?
Bà Ngà: – Không! Tôi không muốn nói chi hết! Nhìn bà tôi biết bà là một người hạnh phúc lắm mà!
Bà Phương: – Tôi có một gia đình hạnh phúc. Và tôi không muốn bất cứ ai phá vỡ hạnh phúc đó!
Bà Ngà: – Không có ai nỡ phá hạnh phúc của bà đâu. Bà cứ bình tĩnh ngồi xuống đi.
Bà Phương: – Mặt trời lên rồi mà sao ông ấy vẫn chưa ra?
Bà Ngà: – Hình như hôm nay mặt trời lên sớm hơn mọi ngày.
Bà Phương: – Tôi phải về đi làm. Xin phiền bà chuyển giúp cho ông thầy bói mù tấm danh thiếp của tôi. Có địa chỉ của tôi ghi trên đó. Tôi muốn biếu bà chút tiền! bà nhận cho!
Bà Ngà: – Tôi sẽ chuyển giúp bà tấm danh thiếp. Tôi không lấy tiền bà đâu.
Bà Phương: – Nhờ bà nhắn ông thầy bói mù hãy đến tìm tôi và giải thích cho tôi biết về những điều ông ấy đã vu oan cho chồng tôi.
Bà Ngà: – Ông ấy mù nên ít đi đâu ra khỏi chợ lắm bà.
Bà Phương: – Mù cũng phải tìm đường tới nếu như ông ấy không muốn những người có trách nhiệm bảo vệ luật pháp tới đây buộc ông ấy phải đến.
Đèn tắt
CẢNH NĂM.
Nhà Trần Công buổi sáng, bà Phương đang nóng lòng bên máy điện thoại chờ ai đó. Tử Du hí hoáy ngồi viết bên bàn.
Tử Du: (Say sưa đọc) – “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước mà lòng phơi phới dậy tương lai”. Hay quá!
Bà Phương: – Du ơi! Đi ăn cơm con! Viết từ sáng rồi còn gì, chắc là đói lắm rồi phải không?
Tử Du: – Dạ! Không sao đâu! Thưa bác con đang cao hứng! Chà hình tượng bác trai trong đoạn này sáng rõ quá để con đọc bác nghe.
Bà Phương : – Đọc đi, cháu đọc đi!
Tử Du : (Đọc) – “Trong đoàn quân xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước có một người trai Hà Nội”.
Bà Phương: – Đúng rồi!
Tử Du: – Anh ta tên Công họ Trần, mảnh tình vắt ngang vai, với một cô gái tóc dài mắt xanh như nước hồ Hoàn Kiếm.
Bà Phương: – Khoan đã con. Ý thì hay. Nhưng không nên ghi rõ họ tên bác trai là cái thứ nhất. Nên để mắt xanh như nước mùa thu cho có chất thơ là cái thứ hai.
Tử Du: – Dạ, con xin sửa ngay theo ý bác.
Bà Phương: – Đọc tiếp đi cháu.
Tử Du: – “Chân đạp đá không đau, đầu đội mưa không nắm tóc, người chiến sĩ ấy đã hạ hàng loạt rau tàu bay, tiêu diệt hàng hà sa sắn rừng, nằm gai nếm mật giữa cuộc kháng chiến thần thánh”.
Bà Phương: – Con dùng từ hơi mạnh quá.
Tử Du: – Thưa bác, cứ để vậy. Dây chuyền biên tập họ sẽ dũa lại là vừa.
Bà Phương: – Con sẽ viết về hậu phương nữa chứ!
Tử Du: – Dạ, thưa bác. Đây, “Lá thư hậu phương” nhòe nhoẹt nước mắt.
Bà Phương: – Đúng lúc đó phải cho máy bay đến.
Tử Du: – Dạ, máy bay đến, (ghi ghi).
Bà Phương: – Nhưng máy bay đến thì như thế nào nhỉ! Ngày chiến tranh bác không có ở trong đó.
Tử Du: – Dạ, con cũng vậy. À, nhưng con nhớ rồi. Con được học ở nhà trường như vầy này. Bom rơi như mưa, thưa bác! bom rơi như mưa.
Bà Phương: – Đã đành là bom rơi! Nhưng bom rơi như mưa nghe nhẹ quá. Con phải chọn một hình ảnh nào đó thật độc đáo.
Tử Du: – Sung rụng, thưa bác. Đúng rồi, sung rụng. Bom rơi như sung rụng.
Bà Phương: – Và người chiến sĩ bị thương bên ngực trái.
Tử Du: (Ghi ghi) – Ngực trái….
Bà Phương: -Vết sẹo vẫn còn nguyên bên ngực trái của bác trai đó con.
Tử Du: – Ngực của bác trai đó con. (ghi chú)
Bà Phương: – Ơ, sao cháu lại ghi cả lời bác nói.
Tử Du: – Con quên mạch văn của con đi, tệ quá!
Bà Phương: – Con định viết sao về hiện tại bây giờ?
Tử Du: – Thưa Bác! Đó mới chỉ là chương phục hiện. Là phần một của hồi ký. Còn đây, phần chính là pháo nổ hoa kết, đèn giăng mọi người đi bỏ phiếu tấp nập. Cuộc bầu cử diễn ra trong không khí vui tươi phấn khởi. Đây là chủ đề lớn nhất đó bác.
Bà Phương: – Đúng rồi, cái chính là tập hồi ký phải ra đời. Phải dẹp tan dư luận về bác trai. Sắp bầu cử rồi còn gì nữa.
Tử Du: – Bác yên tâm. Ba con chỉ cần ký một nhát là cuốn sách được in ngay thôi mà. Chết rồi, con phải đến giảng đường bây giờ. Hôm nay giáo sư sẽ giảng về tính chân thực trong văn học.
Bà Phương: – Vậy đi lẹ đi con. Chịu khó học hành cho giỏi nha con.
Tử Du: – Dạ, bác khỏi lo, xin phép bác con đi.(ra nhanh)
(nghe có tiếng gậy lần bước trên đường đá. Một lát bác Trung vào lặng lẽ)
Bà Phương: – Ông là ai?
Bác Trung: ( Dừng lại bất động) – Xin hỏi, có phải nhà ông Trần Công ở đây không ạ?
Bà Phương: – Phải, ông tìm chồng tôi có chuyện gì?
Bác Trung: – Tôi là ông già mù loà bán tranh dưới chợ. Hình như hôm nọ bà xuống chợ tìm tôi?
Bà Phương: – Thì ra là ông…
Bác Trung : – Vâng, tôi đây, tôi đây mà.
Bà Phương: – Ghế đây ông! Mời ông ngồi.
Bác Trung: (Ngồi xuống) – Cảm ơn bà! bà tìm tôi có chuyện gì không?
Bà Phương: (Bùng lên) – Tôi muốn ông giải thích tại sao ông lại gán cho chồng tôi một điều độc ác như vậy?
Bác Trung: – Độc ác?
Bà Phương: – Phải! Mấy chục năm nay ông ấy là một người tốt. Một cán bộ có uy tín. Tại sao ông bêu rếu chồng tôi giữa chợ búa như vậy?
Bác Trung: – Bêu rếu?
Bà Phương: – Ông còn hỏi tại sao! Chồng tôi đang mang tai mang tiếng về chuyện đó. Giọng nói! Ông chỉ dựa vào giọng nói! Giọng nói của chồng tôi thì nói lên điều gì?
Bác Trung: – Giọng nói làm người ta nhận được ra nhau mà bà.
Bà Phương: – Thảo nào nghe giọng ông, tôi có nghe cái cảm giác rằng ông là người hay làm khổ người khác.
Bác Trung: – Bà cứ oán trách tôi nữa đi! Tôi nghe giọng bà, tôi biết bà hát hay lắm nhưng là những bài hát buồn.
Bà Phương: – Ông bắt đầu bói cho tôi đó sao? Hồi con gái tôi rất thích hát những bài hát buồn như bài “giọt mưa thu” chằng hạn.
Bác Trung: – “Dương thế bao la sầu” có phải trong bài hát có câu đó không?
Bà Phương: – Phải rồi! Ông nói tiếp đi! Sao bỗng dưng ông lại im lặng vậy.
Bác Trung: – Hình như ngoài kia trời cũng đang mưa? Tôi nghe tiếng những hạt nước rơi vào một bể cá cảnh có hòn non bộ ở giữa.
Bà Phương: (Lại gần bên cửa sổ) – Ông có đôi tai kỳ diệu. Đúng là trời đang mưa. Cái bể cá thì còn nhưng hòn non bộ thì bề mất rồi. Mà sao ông biết dưới sân nhà tôi có cái bể cá cảnh đó?
Bác Trung: – Tôi chỉ hình dung thôi. Thì ra nó có thật à!
Bà Phương: – Có thật! Có từ lâu lắm rồi! Từ lúc tôi mới chỉ là một cô thiếu nữ…. Xin lỗi ông, tôi quên mất. Ông uống nước! Hay tôi pha cà phê mời ông.
Bác Trung: – Nghe bà nói, tôi có cảm giác như bà đang ôn lại những kỷ niệm.
Bà Phương: – Đúng là những kỷ niệm. Nhưng xa xôi lắm rồi! Cà phê đây mời ông.
Bác Trung: – Bà pha cà phê ngon lắm. Ngày xưa, bà vẫn thường pha cà phê cho ông cụ thân sinh uống. Thật đặc và không có đường.
Bà Phương: – Trời ơi! Nghe ông nói tôi có cảm giác là những điều ông đã bói cho ông chồng tôi là…sự thật.
Bác Trung: – Đừng, bà không nên nghĩ vậy.
Bà Phương: – Vậy thì ông hãy giải thích đi. Tại sao ông lại bói ra điều đó về chồng tôi?
Bác Trung: – Bà cần biết đến vậy sao?
Bà Phương: – Cần và hơn hết là tôi luôn tin rằng chồng tôi là một người tốt.
Bác Trung: – Bà cứ tin đi. Tin là ông ấy không bao giờ lừa dối bà. Không bao giờ là người xấu.
Bà Phương: – Vậy thì ông đã nói ra những điều đó để làm gì! Chỉ một chuyện pha cà phê, chỉ một cơn mưa nhỏ đang rơi ngoài kia mà ông còn nói đúng về nó, huống chi đây là một chuyện tày trời. Tôi không tin! Ông có thù hằn gì với chồng tôi ư?
Bác Trung: – Không đâu! Tôi xin bà đừng nghĩ vậy.
Bà Phương: – Vậy thì ông hãy nghe tôi hỏi một lần nữa! tại sao ông lại bói ra điều đó về chồng tôi?
Bác Trung: – Có lẽ tôi đã nhầm vào cuộc đời một người nào khác…! Tôi xin lỗi bà.
Bà Phương: – Kìa! Sao ông lại khóc!
Bác Trung: – Bà cũng hay khóc. Hễ cứ buồn điều gì là bà lại âm thầm khóc một mình, ai dỗ cũng không được… Đôi mắt của bà, vầng trán cao của bà, cả suối tóc dài nữa. Ngày xưa! Ngày xưa có một chàng trai đã ao ước được vẽ những nét đẹp đó như nhà họa sĩ vĩ đại vẽ thần vệ nữ. Rồi chiến tranh. Tất cả bỗng vỡ tan ra như sương khói. Thành quá khứ! Thành kỷ niệm! Thành đời người với một thời tuổi trẻ đã sống đã yêu mà chưa kịp trao gửi.
Bà Phương: – Này ông! Ông nói những điều như ông đã từng sống trong đó, từng hiểu về nó, từng trải qua tất cả. Ông là ai?
Bác Trung: – Tôi chỉ là một ông thầy bói mù bán tranh dưới chợ thôi mà.
Bà Phương: – Vậy mà sao những lời ông nói khiến tôi cảm thấy như tất cả đang hiện về, tất cả như vẫn còn đang sống. Quả thật chiến tranh đã cướp mất anh ấy của tôi. Cướp mất tình yêu của tôi.
Bác Trung: – Người ta có thể không chết vì bom đạn, nhưng lại chết vì sự phản bội.
Bà Phương: – Tôi không phản bội… Đúng là anh ấy đã từng ao ước vẽ tôi. Rồi chiến tranh, anh ấy cầm súng ra đi mang theo cả cây bút vẽ. Tôi những tưởng sẽ chẳng bao giờ có thể mất được anh ấy. Tôi ép từng chiếc lá cây tính ngày anh ấy trở về. Tôi đã chờ đợi! Chờ đợi, mãi.
Bác Trung: – Trong cái chợ đời này ai cũng có một điều gì đó để đợi chờ.
Bà Phương: – Tôi đã chờ đợi cho đến khi ông ấy xuất hiện giữa những năm tháng gay go ác liệt nhất của cuộc chiến tranh. Ông ấy đeo tấm huy chương trên ngực áo. Ông ấy nói với tôi rằng anh ấy đã hi sinh…
Bác Trung: – Và bà đã tin!
Bà Phương: – Tôi đã tin! Tin trong đau khổ, thất vọng. Ông ấy làm cho tôi tin rằng giữa anh ấy và ông ấy là một hình ảnh đẹp đẽ của những người con cùng xả thân vì Tổ quốc.
Bác Trung: – Khác nhau nhiều lắm bà ạ!
Bà Phương: – Ông nói vậy là sao. Ông cũng biết họ ư?
Bác Trung: – À không! Tôi không biết!
Bà Phương: – Từ nãy tới giờ, nhìn gương mặt ông, khóe miệng, sóng mũi, tôi cứ có cảm giác là anh ấy. Sao ông giống anh ấy một cách kỳ lạ!
Bác Trung: – Không! Không! Bà lầm rồi! Tôi chỉ là một thầy bói mù loà ở chợ.
Bà Phương: – Tôi lầm ư? Không! Đúng là anh rồi! Làm sao tôi có thể nhầm được! Anh Trung! Nếu không là anh thì làm sao anh lại biết rõ như vậy.
(Trần Công vào)
Trần Công: – Ô kìa! Ông già này hay quá. Ông tới từ khi nào vậy? Nhân có hai vợ chồng tôi đây ông hãy giải thích cho vợ tôi hiểu về điều ông đã bói đi.
Bác Trung : – Vâng, tôi đã bói lầm vào một cuộc đời khác.
Trần Công: – Ông nhắc lại một lần nữa đi. Lầm lẫn đúng không?
Bác Trung: – Đúng!
Trần Công: – Đó! Em thấy chưa, một cuộc đời khác! Cuộc đời của anh, anh đã dành hết cho tổ quốc cho nhân dân cho gia đình hạnh phúc của chúng ta rồi còn gì.
Bà Phương: – Ông Công! Tôi cảm thấy hình như có một điều gì đó mà suốt cả cuộc đời, tôi đã không nhận ra. Ông có thấy ông thầy bói mù này có giống liệt sĩ Hoàng Văn Trung một cách kỳ lạ không!
Trần Công: – Trung nào? … À! Cũng hao hao thôi. Mũi của Trung cao hơn. Mắt của Trung đẹp hơn. Đừng nhắc lại làm gì mà tủi cho hương hồn anh ấy nơi chín suối.
Bà Phương: – Không! Ông cứ nhìn kỹ mà xem. Đúng là anh ấy! Tôi chưa tin là anh ấy đã chết! Tôi chưa tin là anh ấy đã chết ( ra ).
(Trần Công chồm lại phía bác Trung)
Trần Công: – Cậu đã nói những gì với cô ấy?
Bác Trung: – Quá khứ! Một quá khứ đắng cay bởi có những sự lừa gạt lẫn vào.
Trần Công: – Quá khứ, quá khứ! Cái chính là cô ấy đã nhận ra cậu chưa?
Bác Trung: – Tao không biết! Làm sao tao có thể biết được.
Trần Công: – Chúng ta đã thống nhất với nhau rồi. Hay là cậu muốn phanh phui ra tất cả để phá vỡ hạnh phúc gia đình mình.
Bác Trung: – Coi kìa! Mày đang sợ hãi chính cuộc đời của mày.
Trần Công: – Vấn đề không phải là sợ hãi. Mình muốn chuyện yên ấm cho đến khi bầu cử xong đã.
Bác Trung: – Nghĩa là những người dân bình thường trong cái chợ đời này sẽ lại bị lừa một lần nữa.
Trần Công: – Cậu chẳng hiểu gì cả. Chính trị đâu phải lúc nào cũng theo ý muốn của chúng ta. Hãy cứ để cho cuộc sống xoay vần. Ta lựa bước mà đi trong đó là tốt lắm rồi.
Bác Trung: – Mày phải tự thú trước nhân dân dù là ngay trong phút giây họ đang bỏ phiếu cho mày. Tao không muốn những đứa trẻ trong cái chợ đời này lớn lên bởi ngộ nhận về những kẻ như mày. Trần Côn tao chờ đợi mày tự thú.
Trần Công: – Sẽ chẳng bao giờ có điều đó đâu ông Hoàng Văn Trung ạ! Tôi sẽ không bao giờ tự thú. Ông hãy đi tố cáo tôi đi. Hãy cẩn thận nếu không ông sẽ bị khép vào tội vu cáo đấy.
Bác Trung: – Tao tin vào sự công minh của pháp luật.
Trần Công: – Thì tất nhiên luật pháp luôn công minh. Nhưng bằng chứng tội lỗi của tôi đâu nào? Bằng chứng đâu? Chuyện này xảy ra chỉ có tôi với ông giữa rừng. Ai sẽ là người làm chứng cho điều của ông nói. Ai nào? Ai nào? Hãy cẩn thận ông Trung ạ! Sẽ chẳng có ai tin là ông còn sống?
Bác Trung: – Sao? Sao? Không có ai tin tôi sao? Sao lại im lặng như thế này sao?
Trần Công: – Đó thấy chưa? Làm gì có ai nào.
Bác Trung: – Cô ấy! chỉ còn có cô ấy thôi.
Trần Công: – Ai?
Bác Trung: – Cô ấy.
Trần Công: – Hoàng văn Trung! Tao cấm mày! Tao cấm mày không được để cho cô ấy biết là mày còn sống…Cút đi! (nghe có tiếng gậy gỗ trên đường đá).
Trần Công: – Kìa Trung, đứng lại đã nào, mình nóng nảy quá. (Ông Tơ hớt hải vào).
Ông Tơ: – Đây rồi! Đây rồi! Anh Công ơi! Tiêu rồi! Anh bảo em phải làm gì bây giờ. Không thể nào chịu nổi. Em xin trả lại anh cái chợ.
Trần Công: – Có chuyện gì vậy? (Song Ánh đi học về).
Song Ánh: – Con chào bác, con chào ba!
Ông Tơ: – Trời ơi! Ánh ơi! Vỡ chợ , vỡ chợ rồi cháu ơi.
(Vọng vào tiếng hát ầm ĩ của Thành).
Thành: – “Bác Công ơi là vỡ chợ rồi! Vỡ chợ rồi là Bác Công ơi! I e e lài ô ô, I ô ô là í e e, Bác Công ơi là vỡ chợ rồi”!
Ông Tơ: – Đó đó! Vỡ chợ làm thằng Thành nghệ sĩ lên cơn khùng rồi. Thành ơi! Tao lạy mày câm miệng đi Thành ơi. (Tiếng hát xa dần).
Song Ánh: (gọi với)- Anh Thành.
Trần Công: – Anh Tơ! Anh bình tĩnh báo cáo cho tôi nghe coi. Làm sao mà vỡ chợ?
Ông Tơ: – Chỉ vì mấy nghìn đồng mà tụi đánh bài vác dao chém xả vai.
Song Ánh: – Có ai bị sao không bác?
Ông Tơ: – Một thằng chết, hai thằng bị thương, cuộc chiến vẫn diễn ra ác liệt.
Trần Công: – Anh cứ bình tĩnh ngồi xuống đã.
Ông Tơ: – Bình tĩnh sao được hả anh. Hôm qua có con nhỏ thản nhiên cởi quần áo đi ba vòng qua chợ để lấy mấy chục ngàn của bọn xe ôm thách đố. Em ra tới nơi rồi mà nó còn ráng đi thêm một vòng rưỡi để lấy thêm tiền rồi mới chịu mặc quần.
Song Ánh: – Hèn gì hôm con xuống trường phổ thông thực tập, con giảng cho các em nghe về hình tượng của những nữ anh hùng mà các em cứ lăn ra cười. Con sẽ phải giảng cho các em về sự thật này để các em biết cần phải xây dựng một xã hội tốt đẹp.
Trần Công: – Trách trẻ con làm gì. Con là cô giáo, cái chính là con phải dạy cho những đứa trẻ cách nhận biết đánh giá xung quanh. Còn khi tụi nó lớn lên rồi, tụi nó sẽ thuộc về cuộc sống.
Ông Tơ: – Hôm kia một thằng bán sắt vụn yêu chết mê chết mệt một con nhỏ bán bún riêu. Nó về cạy tủ của má nó lấy đi hết vàng thiệt đi ăn xài với con nhỏ rồi thế vàng giả vào. Má nó phát hiện ra thế là hai má con chửi nhau banh xác giữa chợ.
Song Ánh: – Thiệt vậy sao bác?
Ông Tơ: – Ăn thua gì cháu! Cứ xuống chợ rồi sẽ thấy! Giống như bữa kia, một thằng đi xin ăn, xin không được ném cả một nắm bùn vô tô phở của người ta. Nào ngờ, đụng đúng phải thằng giang hồ thứ thiệt. Thằng này nắm cổ thằng kia bắt phải ăn hết tô phở đầy bùn.
.
Trần Công: – Chợ mới thì chưa xong. Chợ cũ thì vỡ. Tơ! Anh làm quản lý kiểu gì mà để xảy ra những chuyện đó.
Ông Tơ: (ngớ ngẩn)- Dạ! Dạ. Em cũng đã cố hết sức mình nhưng con người giữa nơi chợ búa. Làm sao em có thể hiểu được những gì diễn ra trong lòng họ.
Trần Công: – Ý chí cách mạng anh để ở đâu.
Ông Tơ: (Chỉ vào tim) – Đây! Thưa anh Công! Ý chí của em vẫn ở nguyên chỗ cũ! (Hét ầm lên) Anh Công ơi! Em có ông bạn rất thân ở đầu đường gần ga xe lửa mà không dám đến. Sợ lắm, sợ bọn lưu manh, trấn lột, xin đểu lắm. Nhiều lúc, nhớ ông ấy quá, em đành viết thư gửi qua đường bưu điện cho ông ấy vậy.
Trần Công: (cười) – Hô! Hô! Hô!
Ông Tơ: (cười) – Hì Hì Hì !
Trần Công: – Thôi, anh về đi!
Ông Tơ: – Dạ em về! Anh kêu em về thì em về.
( Thằng Tom chạy vụt vào)
Thằng Tom: – Bác Tơ ơi!Bác Tơ ơi!
Ông Tơ: – Lại vụ gì?
Thằng Tom: – Bác Trung…
Ông Tơ: – Ông Trung làm sao?
Thằng Tom: – Bác Trung chết rồi!
Ông Tơ: – Mày xạo! Mày giỡn mặt kiếm chuyện chọc tao hở Tom?
Thằng Tom: – Con nói thiệt mà! Tụi cờ bạc đang đánh nhau dữ dội. Một thằng cầm con dao chặt thịt heo nó giơ lên rồi chém xả xuống như vậy nè…
Ông Tơ: – Hả?
Thằng Tom: – Bác Trung lao vô can! Bác ấy bị mù đâu có nhìn thấy gì mà tránh.
Ông Tơ: – Hả!
Thằng Tom: – Con kéo bác Trung ra không kịp. Giờ bác Trung nằm đó, máu chảy lênh láng.
Ông Tơ: – Ông Trung! Sao ông mù rồi còn muốn can ngăn mấy vụ đó làm chi!
Song Anh: – Ba ơi! Con sợ!
Trần Công: – Anh Tơ! Anh hãy về lo cho ông thầy bói mù một đám tang thật cẩn thận.
Ông Trung: – Dạ! (Tất cả cùng ra, còn lại Trần Công)
Trần Công: – Trung! Vậy là cậu chết thật rồi! Bao nhiêu rắc rối rồi sẽ theo cậu xuống mồ hết. Mà tại sao cậu lại làm như vậy. Dại dột. Dại dột. Dại dột quá. Làm sao cậu có thể can ngăn được họ giữa nơi chợ đời bề bộn này. Dại dột quá! (Trần Công chợt cất lên, một chuỗi cười dài đau khổ và đắc chí) ha ha ha… dại dột quá… ha ha
(vọng vào tiếng hát của Thành)
“ Bạn bè còn đó anh biết không anh. Người tình còn đây anh nhớ không anh. Bạn bè rồi xa, người tình rồi quên. Ôi tháng năm, những dấu chân người cũng bụi mờ”.
( Ánh sáng mờ dần trong chuổi cười dài và tiếng hát )
ĐÈN TẮT
CẢNH SÁU
Chợ đêm ngổn ngang những khối bê tông sắt thép, chính giữa sân khấu, bàn thờ bác Trung nghi ngút khói hương. Không gian yên tĩnh, lạnh lùng. Trần Công gục đầu bên bàn thờ.
Trần Công: – Trung ơi. Tại sao cậu lại chết. Cậu phải sống để nói với tất cả mọi ngừơi trong cái chợ đời này rằng những điều bói toán của cậu về mình là sai hết. Mấy ngày nữa là bầu cử rồi. Cậu bỗng hiện về rồi lại ra đi, để lại cho cả khu chợ này sự nghi ngờ về mình. Trung ơi, mình không có tội, ngày xưa bọn mình là bạn tốt của nhau mà. Tất cả tại chiến tranh Trung à! Quá khứ nghiệt ngã ấy đã làm chúng mình xa nhau mãi. Trung ơi, mình đang đứng trước bàn thờ của cậu đây. Cậu sống cao đẹp vì mọi người. Cậu chết cũng cao đẹp và vì mọi người. Mình xin linh hồn cậu hãy mãi mãi là trụ móng cho cái chợ đời này.
Ngày mai chợ mới mọc lên, sẽ chôn vùi tất cả câu chuyện của cậu với mình vào quên lãng. Trung ơi, hãy chứng giám cho lòng mình.
( Bỗng hiện lên một vòng quay lặng lẽ như một qui luật vĩnh cửu của cuộc sống, nó lặng lẽ quay lặng lẽ xiết dần, xiết dần trong lương tâm con người)
Trần Công: – Các người là ai?
Cả vòng xoay: – Là quá khứ! Là hiện tại! Là tương lai!?
Bà Ngà: – Không chôn vùi được đâu ông ạ. Hiện tại nào chẳng có dấu vết ngày xưa. Xoá sao được. Ông ấy mất đi thì còn người khác, còn con cháu chúng ta, còn cả cái chợ đời này nữa. Sống và chết có nghĩa gì đâu. Có thể chết là bỏ lại tất cả, quên đi tất cả, nhưng sống thì làm sao chạy trốn được khỏi chính mình….
Bác Trung: – Chợ đời, tên nó là chợ đời! Và ông hãy mãi mãi nhớ rằng cái chợ đời này phải được xây nên từ sự sạch sẽ, trung thực,từ lòng tốt và lương tri của mỗi trái tim con người chứ không phải từ sự lọc lừa, phù phiếm giả tạo.
Thằng Tom: – Mẹ ơi! Con giả làm chó bán được nhiều báo để giúp mẹ, sao mẹ nỡ đánh con, sao mẹ nỡ đánh con.
Bà Ngà: – Con ơi! Đi bằng chân của những con thú thì làm sao mà nhìn rõ được những điều tốt đẹp của cuộc đời hả con?
Lệ: – Không lẽ cứ để cho anh ấy mãi tin rằng cống rãnh đầy bùn lầy là một vườn hoa hay sao? Chả lẽ cứ để cho anh ấy mãi tin rằng khu chợ này là một thiên đường mộng ảo hay sao?
Song Ánh: – Ba, con phải giảng cho các em học trò về sự thật này để các em biết khi lớn lên, các em cần phải xây dựng một xã hội tốt đẹp.
Trần Công: – Các người đâu hết cả rồi? Trung ơi. Ccó phải rừng người của cậu lên tiếng đó không?
( vòng người tan biến mất. Có tiếng rao báo, trời hừng sáng )
Thằng Tom: – Báo đây, báo đây! Ai mua báo đây! Tin mới nhất trong ngày đây “khu chợ bùn lầy đổ nát của chúng ta sẽ đựơc xây dựng lại”. Bầu cử hội đồng nhân dân sẽ diễn ra trong vài ngày tới! Mua đi! Mua đi. Kìa bác, bác mua báo đi. Ủa! Bác cán bộ bự! Con chào bác! Sao bác ra chợ sớm vậy? Kìa, sương rơi ướt hết đầu bác rồi.
Trần Công: – Con bán cho bác một tờ.
Thằng Tom: (đưa báo)- Ơ! Sao bác lại đặt báo lên bàn thờ của bác Trung?
Trần Công: – Cho bác ấy biết tin với chứ…
Ông Tơ: – Nhân danh là người quản lý chợ, tôi đề nghị phá cái bàn thờ này đi.
Bà Ngà: – Tôi cấm các người không được phá.
Ông Tơ: – Vậy hỏi bà,mình bà thương ông Trung chắc! Cả cái chợ ai người ta không thương, nhưng giữa nơi chợ búa này, một tấc đất là một tấc vàng. Phá đi!
Trần Công: – Có chuyện gì vậy hở anh Tơ?
Ông Tơ: – May quá! Có anh ở đây. Anh giải quyết vụ này dùm em đi. Lớn chuyện lắm rồi.
Tử Du: (lao vào)- Bác đi đâu suốt cả đêm hôm qua. Bao nhiêu người tìm bác
( Song Ánh vào cùng Tử Du)
Song Anh: – Ba, tại sao ba lại ở đây?
Trần Công: – Ba xuống thăm bà con xem cuộc sống của mọi người thế nào!
Tử Du: – Bà con có phước quá. Chi tiết này sẽ thật đắt trong cuốn hồi ký!
Ông Tơ: – Tiêu rồi anh Công ơi. Đông quá! Họ kéo tới đông quá.
Trần Công: – Ai? Sao lúc nào anh cũng quýnh lên vậy.
Ông Tơ: – Sao mà không quýnh lên được cái bàn thờ nàylà do bà ngà lập nên. Nó chiếm chổ ngồi của hai người. Một là bà Ngà và hai là bà Thìn ốc luộc. Bà Thìn đòi phá, bà Ngà đòi giữ, vậy là cả chợ chia thành hai phe, bên phá, bên giữ. Hôm nay bà Thìn gọi cả dòng họ xử bà Ngà.
Tử Du: – Tưởng gì? Có phải anh hùng, vĩ nhân đâu mà thờ. Phá quách đi bác. Nay mai khu chợ mọc lên mà lại chình ình cái bàn thờ thế này thì còn ra gì nữa!
Ông Tơ: – Tiêu rồi anh Công ơi. Anh nói tôi phải làm gì đi.
( một đám võ sĩ đi vào)
Bà Ngà: – Tôi xin các người, tôi van các người hãy thương ông ấy. Bà con ơi đừng phá bàn thờ của ông Trung. Ông ấy sống cũng vì bà con. Bác ấy chết cũng vì bà con. Giờ có mỗi cái bàn thờ của ông ấy mà bà con nỡ phá hay sao.
Thằng Tom: – Không ai được phá cái bàn thờ này.
Ông Tơ: – Vỡ chợ mất anh Công ơi. Anh trực tiếp giải quyết vụ này đi.
Trần Công: – Lấy cho tôi mấy cây nhang.
Ông Tơ: – Dạ nhang! Dạ thưa anh nhang đây.
Trần Công: – Thưa toàn thể bà con! Hãy đặt một tấm bia ở chỗ này và khắc rõ ràng rằng nơi đây là bàn thờ của liệt sĩ Hoàng Văn Trung người chiến sĩ Trường Sơn dũng cảm năm xưa.
Bà Ngà: – Ông Công! Tôi sợ những điều ông vừa nói là giả dối với lương tâm ông, với sự thật của cuộc đời ông.
Trần Công: – Bà là ai?
Bà Ngà: – Tôi đây! “Búp măng rừng Trường Sơn” đây.
Trần Công: – “Búp măng rừng Trường Sơn”?
Bà Ngà: – Ngay từ hôm ông xuống chợ tôi đã nhận ra ông rồi. Dù là ông không nhận ra tôi. Tôi nén đành lòng. Ông Công, còn thằng Tom nữa. Không thể bỏ rơi nó được ông ạ! Nó là quá khứ của tôi và ông. Nó là tương lai của cái chợ đời này.
Trần Công: – Thằng Tom?
Bà Ngà: – Đêm trăng rừng Trường Sơn đó. Ông có nhớ không? Tom. Ra đây con! Cha ruột của con đây nè!
Trần Công: – Thằng bé bán báo này là con tôi?
Bà Ngà: – Ông Công. Hãy dũng cảm lên ông! Chỉ là một lần thôi ông! Một lần dám sống với sự thật của chính mình là đủ cho cả một cuộc đời rồi ông ạ. Tom, con lại với cha con đi.
Thằng Tom: – Ông không phải là cha tôi!
Song Ánh: – Ba, sao ba im lặng vậy? Ba nói gì với con đi ba!
Trần Công: – Sự thật nghiệt ngã lắm con à. Rồi một ngày con sẽ hiểu.
Song Ánh: – Nếu đó là sự thật thì con sẽ dạy cho các em học sinh của con như thế nào hả ba. Con sẽ hướng dẫn cho các em biết tin vào cái gì đây hở ba?
Trần Công: – Tin vào những điều tốt đẹp sẽ không bao giờ mất đi ở trên đời con ạ.
Tử Du: – Bác ơi! Còn cuốn hồi ký con đã dày công viết hơn ba trăm trang thì sao hả bác?
Trần Công: – Đừng luyến tiếc gì cháu ạ.
( mọi người giật mình và bà Phương xuất hiện từ phía sau bàn thờ)
Bà Phương: – Anh Trung! Tại sao gặp nhau rồi mà anh lại không nhận em! Tại sao vậy anh? Em đã chờ đợi anh mãi. Đêm hôm qua em đã theo chân ông ấy xuống đây. Đứng sau cái bàn thờ của anh để nghe ông ấy tự thú tất cả. Sao anh không muốn nhận ra em? Sao cuộc đời của chúng ta lại cay đắng như thế này!
Trần Công: – Phương.
Bà Phương: (bình thản) – Vâng tôi đây
Trần Công: – Hãy nguyền rủa tôi đi! Đừng nhìn tôi bằng đôi mắt lạnh lùng như vậy!
Bà Phương: – Tôi đang nhìn anh à?
Trần Công: (ôm ngực loạng choạng ra)- …….
Song Ánh: – Ba, ba ơi! (Song Ánh và Tử Du ra)
Ông Tơ: – Ông ấy đi mất rồi! Hãy nhìn kìa! Đó! Đó! Bóng ông ấy đang xa dần, xa dần xa dần. Lẫn vào giữa đám bụi cuối đường.
Lệ: – Bác Tơ ơi! Bà con ơi! Hãy cùng nhau góp sức xây chợ mới đi. Chợ đời của chúng ta.
(Chợ xôn xao rộn rã tiếng rao hàng)
Ông Tơ: (thổi còi) – Trật tự, trật tự! Đã nói trật tự nghe chưa! Đó đó! Bà con có nghe thấy gì không? Tiếng thằng Thành lại hát! Trời ơi! Hôm nay nó hát mới hay làm sao! Đó! Đó! Đấy – Đất nước tôi.
(Tiếng Thành hát trọn bài Đất Nước Tôi “ đất nước tôi..… khi trăng đã vào cửa sổ đòi thơ”)
Đèn tắt