Theo: Báo Bình Định 2010
Ngày Lê Quý Dương chuẩn bị thi đại học, trong nhà xảy ra một cuộc tranh luận nảy lửa. Bố đạo diễn truyền hình muốn con trai duy nhất trở thành nghệ sĩ giống mình. Mẹ giám đốc ngân hàng thích sự ổn định lại thuyết phục con nộp đơn vào trường kinh tế.
Cãi đến khi “quá giận” mà vẫn chưa ngã ngũ thì hai ông bà đồng lòng để cho cậu con tự quyết định…Và Lê Quý Dương lẳng lặng thi đậu thủ khoa vào ngành lý luận phê bình Trường Sân khấu – điện ảnh. Tốt nghiệp loại giỏi, có một chỗ làm ấm áp nhiều người mơ ước, nhưng rồi bỗng dưng anh bỏ ngang vì “thấy như mình chưa phải là mình nếu dừng bước ở đây”.
Vậy là về soạn vali đi Úc. Lúc hai mẹ con ngồi ở sân bay, mẹ anh nói: “Nếu muốn làm nghệ thuật, con nên đi nhiều, học hỏi nhiều. Mẹ chỉ có mình con là con trai, mẹ mong con luôn đi về phía trước. Khi nào thất bại, con yên tâm vẫn còn có mẹ ở sau lưng. Còn bây giờ, hãy đi thẳng ra máy bay và đừng quay đầu lại. Nếu con quay đầu lại, mẹ sẽ khóc”.
Anh đứng dậy, nghe lời mẹ, đi thẳng một mạch, không một lời thư, không một tin nhắn suốt bốn năm, cho đến khi có được giải thưởng sân khấu đầu tiên trên đất khách. Người mẹ đã òa khóc vì vui mừng, vì thương con…
Sang đến Úc, một thân một mình tự túc, anh phải lao vào làm đủ việc như bán bánh mì, chạy bàn ở nhà hàng, về nông trại hái cam, vác phân gà bón cho cây ớt…
Công việc lao động vất vả, cực nhọc đôi lúc quá sức chịu đựng với một “công tử Hà thành”, anh đã nghĩ hay thôi về lại với mẹ, rồi lấy vợ, đẻ con, gia đình yên ấm như mẹ vẫn mong, nhưng rồi cái chất “sĩ” lại khiến anh quyết tâm “thà chết bỏ mạng ở đây chứ không về nếu chưa thành công”.
Thi đậu vào Trung tâm Kịch nghệ quốc gia Liên bang Úc chỉ sau một năm học, Lê Quý Dương đã khiến “bọn Tây” bị sốc khi đoạt giải thưởng văn học kịch của thủ hiến bang New South Wales. Vào năm kế tiếp anh cũng “tóm” luôn giải đạo diễn xuất sắc với vở Lời thì thầm từ thế giới bí mật do Tổ chức Liên lạc châu Á (Asianlink) trao tặng. Rồi năm sau nữa, với vở Tiệc thịt, Dương lại được khối Liên hiệp Anh trao giải về nghệ thuật biểu diễn mang tên Thủ tướng Anh Winston Churchill.
Và rồi vào năm kế tiếp, vở Đất mẹ của anh lại giành giải thưởng vở hay nhất bang Queensland. Cứ thế, từ khi có mặt ở Trung tâm Kịch nghệ quốc gia Liên bang Úc, năm nào anh cũng qua mặt các đồng môn và đồng nghiệp nước ngoài giành được một giải thưởng không kém phần danh giá.
Về lại VN lần đầu tiên năm 1998 sau khi tốt nghiệp với văn bằng xuất sắc ở Trung tâm Kịch nghệ quốc gia Liên bang Úc, Lê Quý Dương đã hợp tác dựng vở cho nhiều đơn vị nghệ thuật như Nhà hát kịch TP.HCM (Bông cúc xanh trên đầm lầy, Huyền thoại cuộc sống, Chợ đời…), Trường cao đẳng Sân khấu – điện ảnh TP (Ngôi nhà đông người, Giấc mộng đêm hè…), Nhà hát Sân khấu nhỏ 5B (live show Những người nổi tiếng,..), Nhà hát Múa rối T.Ư (Những giấc mơ bí mật của kangaroo và Tễu). Nhưng hầu như tất cả các vở anh dựng khi công diễn đều gây sốc cho hết thảy người xem trong nước vì nó không giống với cách làm theo một trình tự sân khấu quen thuộc như người ta từng biết.
Anh cố tình tháo dỡ tất cả cơ cấu của ngôi nhà kiểu cũ để làm ra một căn nhà mới hoàn toàn theo ý tưởng bay bổng của riêng mình. Không ít người vừa bước vào “ngôi nhà” do anh thiết kế đã thấy khó chịu vì cảm giác như đó không còn là ngôi nhà gần gũi với những trật tự đã định hình; vì nó bắt người ta phải lần mò làm quen với những “thiết bị” mới mà sự xa lạ dễ đánh bật cảm xúc. Những vở kịch của Lê Quý Dương khi tung ra cạnh tranh ở thị trường cũng bởi vậy đã bị thất bại thảm hại. Hầu hết chỉ mở màn vài ba buổi là phải “dọn gánh” vì quá ít người xem.
Sân khấu của anh hướng tới ba tiêu chí: về nghệ thuật, sân khấu là sự kết hợp giữa nghệ thuật phương Đông và nghệ thuật phương Tây nhằm tạo ra một loại sân khấu kích thích trí tưởng tượng của người xem; về hình thức, sân khấu không bị gò bó trong bốn bức tường, mở rộng không gian đến tận cùng có thể (như vở rối Những giấc mơ bí mật của kangaroo và Tễu); về nội dung, tập trung khai thác những vấn đề mang tính nhân loại, toàn cầu.
Bản chất sân khấu của anh là sân khấu thử nghiệm với cách thức đưa ra những cái chưa ai làm nên thường nảy ra nhiều luồng ý kiến đánh giá trái ngược nhau, người khen hết lời, kẻ chê hết mức. Những lúc ấy, gương mặt trắng trẻo hay cười của người đạo diễn trẻ thường rơi vào tình trạng “tím tái” nhưng rồi anh nhanh chóng lấy lại bình tĩnh, suy nghĩ, lắng nghe và rồi tự điều chỉnh. Với Lê Quý Dương, kịch vốn là nghệ thuật của sự xung đột nên người làm kịch cũng phải chịu sự va đập để tạo ra cái mới. Tuy được nhìn nhận ít nhiều thành công ở Liên hoan Sân khấu thử nghiệm quốc tế lần II tại Hà Nội vào cuối năm 2006 vừa qua, nhưng anh biết những vở anh dựng sắp tới đây sẽ lại tiếp tục không thiếu sự phản bác. Âu đó cũng là số phận của những kẻ đi tiên phong.
Ba mươi tám tuổi, vẫn đi đi về về một mình. Rất nhiều lần Lê Quý Dương ở trong tâm trạng mâu thuẫn rất lớn, anh đã tự hỏi hay là mình dừng lại những đam mê này? Nhất là cảm thấy có lỗi với mẹ vì cứ đi chu du mãi, không cửa nhà êm ấm cho cụ yên lòng. Biết mẹ buồn nhưng mỗi khi có dịp, anh lại thủ thỉ: “Nếu con dừng lại thì rất nhiều điều con muốn làm mà không làm được, lúc đó mẹ sẽ càng xót xa cho con hơn”.
Vậy nên, anh vẫn đang hăng hái đi về phía trước, đang nung nấu những vở chưa ai làm vì “nghìn con đường bắt nguồn từ đôi chân”.
Có một Lê Quý Dương ít ai biết đến lại là tác giả của những chương trình event nổi tiếng. Chẳng hạn như chương trình Ngọn lửa tuổi trẻ, tưởng niệm anh hùng liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, diễn ra tại quảng trường 30-4 năm 2005, một chương trình gây ấn tượng bởi hiệu ứng xã hội từ bàn tay vẽ trên giấy của hơn 14.000 bạn trẻ tham dự; chương trình Lễ hội bánh tét diễn ra đêm mồng 2 Tết Bính Tuất, nhằm tôn vinh văn hóa bánh gói lá của Nam bộ với cặp bánh tét được vào Guinness VN; chương trình kỷ niệm 75 năm thành lập Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tại quảng trường 30-4 thu hút trên 10.000 người tham dự; chương trình Đêm hoàng cung tại Festival Huế 2006 với 22.000 người đến xem trong ba đêm…
Những đồng tiền kiếm được từ những event này, anh tiêu tốn gần như toàn bộ cho các vở diễn sân khấu. Thường người ta làm sân khấu để kiếm tiền chứ chưa thấy ai “điên” kiếm tiền để làm sân khấu như anh. Nhưng Lê Quý Dương bảo nếu có một đống tiền, anh sẽ không mua nhà, mua xe mà dành hết để tung ra những “trận” rất lớn cho sân khấu.