Mặc dầu tôi chuyên về nghiên cứu dân tộc nhạc học nhưng từ khi từ Pháp trở về Việt Nam đến nay, tôi có được thêm một cái nhìn rộng rãi hơn về văn hóa nghệ thuật nước nhà.
Tôi may mắn gặp những người trẻ tuổi hơn tôi, mà tài năng và tinh thần dân tộc của họ khiến tôi phải nhạc nhiên và ngưỡng mộ. Một số người tiêu biểu như Nguyễn Doãn Cẩm Vân (văn hóa ẩm thực), Đặng Học (nghệ thuật thư họa, thư pháp), Sĩ Hoàng (thiết kế thời trang), Thành Lộc(diễn viên sân khấu), Ea Sola (biên đạo múa), Nhứt Dũng (âm nhạc dân tộc)… và đạo diễn trẻ Lê Quý Dương.
Tôi tình cờ biết tới Lê Quý Dương sau khi được võ sư Thu Vân mời tới xem “ Huyền thoại cuộc sống” – một vở diễn gây nhiều tranh luận nảy lửa – và tôi đã không ngần ngại đi ngược dòng với một số nhà phê bình sân khấu để đánh giá rất cao tác phẩm này. Từ đó tôi có dịp tiếp xúc nhiều hơn với ngệ sĩ trẻ này.
Mỗi khi chuẩn bị dàn dựng một chương trình mới, Lê Quý Dương luôn tìm đến hỏi ý kiến và chăm chú lắng nghe những đóng góp chân tình của tôi cho những dự định và khát khao kết hợp nghệ thuật dân tộc với nghệ thuật hiện đại. Tôi phát hiện ở Lê Quý Dương một năng lực tưởng tượng và sáng tạo hết sức mới lạ và một khả năng lắng nghe những ý kiến trái chiều về các tác phẩm của mình một cách nghiêm túc rất đáng trân trọng.
Qua các chương trình nghệ thuật do Lê Quý Dương dàn dựng như “Huyền thoại cuộc sống”, “Những giấc mơ bí mật của Kangaroo và Tễu”, “Lễ hội bánh tét Nam Bộ”, “Ngôi nhà mơ ước” và đặc biệt là “Đêm hoàng cung” tại Festival Huế 2006, một điểm nổi bật là đạo diễn Lê Quý Dương không bao giờ lấy sự hiện đại kỹ thuật của phương Tây để áp đặt và làm biến chất kịch nghệ Việt Nam. Anh đã rất biết ươm hạt giống cho những sáng tạo hiện đại của mình từ chính mảnh đất màu mỡ của nghệ thuật dân tộc.
Lê Quý Dương đã có một đời sống và nghề nghiệp ở nước ngoài, nhưng người đạo diễn trẻ này đã quyết định trở về với quê hương Việt Namcủa mình. Tôi phải công tâm mà đánh giá rằng rất ít có một nghệ sĩ Việt Nam nào được trang bị phong phú kiến thức về kịch nghệ, mà lại trở về với dân tộc mình để làm cho nghệ thuật của dân tộc mình hiện đại lên mà vẫn không bị mất đi bản sắc truyền thống như Lê Quý Dương.
Kết hợp nghệ thuật biểu diễn với nghệ thuật sắp đặt là yếu tố nổi bật trong tất cả các chương trình do Lê Quý Dương dàn dựng mà tôi đã được xem. Chương trình “Lễ hội bánh tét” với việc sắp đặt các mô hình bánh gói lá Nam Bộ trên một tổng thể sân khấu quảng trường rộng lớn, chương trình sân khấu “Chợ đời” với nghệ thuật sắp đặt mây, tre, nứa, lá để tạo nên không gian chợ Việt Nam, chương trình “Huyền thoại cuộc sống” với việc sắp đặt ba màn hình video kết hợp với bộ gõ dân tộc.
Trong chương trình rối “Những giấc mơ bí mật của Kangaroo và Tễu”, qua việc kết hợp sắp đặt, người tác giả đạo diễn trẻ tuổi đã biết mở rộng không gian của múa rối nước truyền thống thành một làng quê nơi nhân vật chú Tễu đã sinh thành và là nơi có tính cách khác biệt so với không gian văn hoá của nhân vật Kangaroo.
Đặc biệt là chương trình “Đêm hoàng cung” tại Festival Huế 2006, Lê Quý Dương đã sắp đặt hàng ngàn chiếc đèn lồng Huế kết hợp với ánh sáng của đuốc, nến, các mô hình tứ linh và nghệ thuật hình thể để tạo nên một “đêm hoàng cung” lung linh huyền ảo vô cùng hiện đại mà đồng thời cũng rất Huế.
Lê Quý Dương là một đạo diễn đẳng cấp với những sáng tạo mới lạ và khả năng dàn dựng các chương trình có quy mô lớn, đòi hỏi tính hoành tráng và tổng thể cao. Tôi thực sự hoan nghinh người tác giả đạo diễn trẻ có tri thức và trí thức, nhưng hơn cả là có một tấm lòng với quê hương đất nước, với văn hoá nghệ thuật dân tộc.
Tôi rất vui vì từ trước tới nay, trong suốt cuộc đời, tôi luôn quyết lòng bảo vệ cái cổ mà không nệ cổ, làm sao tìm được cái mới mà cái mới không phá bản sắc dân tộc Việt Nam. Điều tôi mong muốn, Lê Quý Dương là một trong những người đã, đang và tôi tin người nghệ sĩ trẻ sẽ tiếp tục làm được. Tôi rất mong mỏi sẽ có nhiều nghệ sĩ có tài, có chí, có cái nhìn phóng khoáng, có cái tâm Việt Nam thì tương lai văn hoá nghệ thuật của đất nước Việt Nam sẽ đầy triển vọng tốt tươi.
GT.TS Trần Văn Khê