Tác giả: GS.TS Trần Văn Khê
Nhận được vé mời đi xem vở Sống là một huyền thoại của Lê Quý Dương – với lời giới thiệu ghi trên chương trình có phần khiêm tốn và dè dặt rằng đây chỉ là “một công trình thể nghiệm” – tôi đã đến xem buổi ra mắt đứa con tinh thần của người đạo diễn kiêm tác giả trẻ mà mình chưa từng quen biết. Một chút hiếu kỳ, một sự chuẩn bị đón nhận cái mới, tôi đã nhìn với cặp mắt mới, nghe với đôi tai mới và một tư duy mới, chớ tuyệt đối không mang theo mình những định kiến, lại càng không chờ đợi được xem một vở kịch tựa như những gì mình đã từng xem, từng nghe. Và thật bất ngờ, vở kịch đã có sức lôi cuốn ngay từ khi bắt đầu đã khiến tôi chăm chú theo dõi một cách thú vị cho tới khi màn hạ.
Vì không phải là người hoạt động trong lãnh vực sân khấu nên ở đây tôi chỉ đưa ra những cảm nhận riêng tư chớ không phải là nhận định có tánh cách chuyên môn.
Điểm trước tiên, tuy tên gọi của tác phẩm phảng phất màu triết lý, nhưng nội dung lại đơn giản và bình dị như trong các câu chuyện dân gian Việt Nam. Đề tài của vở kịch lại không nêu ra những sự kiện nhứt thời mà là một vấn nạn có tính trường cửu, đó là trên hành tinh của chúng ta – từ ngàn xưa đến tận ngày nay – luôn luôn có những kẻ sử dụng sức mạnh đi đàn áp kẻ yếu thế hơn.
Nhưng nếu có những dân tộc do hoàn cảnh thân cô thế cô phải chịu khuất phục thì riêng dân tộc Việt Nam, kể từ ngày lập quốc đến nay, vẫn thể hiện tinh thần bất khuất của mình. Trải qua bao nhiêu lần bị đô hộ bởi vó ngựa quân xâm lăng phương Bắc nổi tiếng bách chiến bách thắng, rồi đến các cường quốc phương Tây với vũ khí vô cùng tối tân hiện đại, dân tộc ta vẫn không cam chịu bị áp bức mà vùng lên chống lại mọi bất công, để rồi cuối cùng chánh nghĩa thắng hung tàn, thiện ác phân minh, làm lành được hưởng phước, ở ác bị trừng phạt : đó chính là nội dung mà vở kịch chuyên tải và rõ ràng tư tưởng trong kịch phù hợp với tấm lòng và bản chất của con người Việt Nam.
Tình yêu của đôi trai tài gái sắc trong vở kịch đã làm rung động lòng người. Khi đến với nhau nồng nàn sâu sắc bao nhiêu thì khi gặp nghịch cảnh vẫn trọn tình trọn nghĩa bấy nhiêu và nghẹn ngào đau thương lúc hội ngộ bởi đó cũng là lúc vĩnh viễn chia ly.
Nét nhạc đương đại của nhạc sĩ Darrin Verhagen thấp thoáng trong suốt vở kịch, nhưng hiện diện một cách kín đáo nên không hề lấn át, mà ngược lại càng tôn thêm nét đặc sắc của âm nhạc truyền thống. Chẳng hạn trong những cảnh buồn chỉ có tiếng đàn tranh hoặc đàn bầu rao đúng hơi Ai oán một cách chậm rãi tựa như một lời than não nuột.
Diễn xuất trong vở kịch mang đậm ảnh hưởng của sân khấu truyền thống, đặc biệt là tiếng trống đúng theo phong cách Hát tuồng: sau một câu nói quan trọng có tiếng trống điểm gọi là chấm câu, nhưng lại không rập khuôn mà có một chút thay đổi. Khi đánh trên mặt trống, khi gõ vào tang trống, tiếng trống khi cao khi thấp, khi nhanh khi chậm để diễn tả tâm lý cũng như tư thế của hai người đối thoại, lúc tranh cãi hay khi nói xuôi theo đều có cách đánh khác nhau phù hợp với nội dung đối đáp. Ở đây phải khen ngợi tài năng của Nhứt Dũng, nhờ nắm vững truyền thống mà sáng tạo ra những điệu nhạc mới rất đa dạng bằng chất liệu cổ và nhạc cụ xưa.
Các động tác đánh trống cũng dựa theo phong cách truyền thống, đòi hỏi một sự nghiên cứu sâu sắc của biên đạo múa và công phu tập luyện của diễn viên. Nét mới ở đây là các diễn viên phải chấp nhận vào vai trong vở kịch nói lại phải diễn xuất có tính cách tượng trưng và ước lệ như trong Hát tuồng.
Kể cả các điệu múa hiện đại của Linh Rateau kết hợp rất hài hoà với tư thế lẫn động tác múa theo truyền thống của Thu Vân. Tóm lại, nhạc nền trong vở kịch rất Việt Nam mà lại rất mới cho thấy có một sự tìm tòi sáng tạo mà vẫn dựa trên vốn cổ.
Tôi thật sự ngạc nhiên về cách hóa trang hoàn toàn mới lạ, không giống với bất cứ truyền thống nào trên thế giới mà vẫn mang tinh thần thẩm mỹ Việt Nam và dựa theo thuyết ngũ hành. Chẳng hạn nhân vật ác lãnh chúa thì mang vẻ mặt trơ như sắt thép không chút tình cảm ; người tráng sĩ thì sức mạnh nội tâm bừng lên trên nét mặt tựa như ngọn lửa thiêng. Người con gái xinh đẹp dịu dàng thì gương mặt mang hình chiếc lá xanh mơn mởn tượng trưng cho sự tươi tắn và đẹp đẽ. Lại có phảng phất một chút thuyết âm dương với những hình nhân mặc hai màu đen trắng tương phản như ngày với đêm, âm với dương.
Những kỹ thuật hiện đại thể hiện ở hình thức không hề đả phá, cũng không làm át đi mà chính là ánh sáng rọi vào chiều sâu làm đậm nét hơn nội dung bên trong. Nhận thức được điều này, tôi càng cảm thông với người đã chịu khó tìm tòi và thương cho những người bỏ bao công khó luyện tập.
Tôi tin rằng tác giả kịch bản Sống là một huyền thoại không chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu “mua vui cũng được một vài trống canh” của khán giả mà là một sự tìm tòi, khám phá. Nghệ thuật không phải để cho người đời thán phục, vui chơi, mà làm cho chúng ta cảm nhận và suy nghĩ. Với tôi thì tác giả đã thành công vì khi xem lại lần thứ hai theo lời mời của đạo diễn Lê Quý Dương, tôi lại khám phá ra nhiều điều thú vị hơn so với lần xem trước.
Tuy chưa phải là vở diễn hoàn hảo bởi còn khá nhiều sơ hở trong chi tiết, chẳng hạn ngôn ngữ diễn tả chưa đạt đến kỹ thuật cao của ngữ khí trong hát tuồng, diễn xuất còn chưa đạt, âm nhạc chưa phải là mẫu mực và hoàn chỉnh, nhưng về tổng thể đây là một hướng đi đúng. Với tiền đề đặt ra vở kịch chỉ là một thể nghiệm cho thấy tác giả và đạo diễn sẵn sàng lĩnh hội những góp ý để từ đó có thể rút kinh nghiệm mà sửa chữa, bổ sung cho hoàn chỉnh hơn.
Đặc biệt tôi hết sức cảm động khi biết Lê Quý Dương đã tốt nghiệp đạo diễn tại Hà Nội rồi ra nước ngoài học tập và từng nhận được nhiều giải thưởng về điện ảnh và kịch nghệ tại các nước như Úc, Mỹ, Pháp … những nơi có nền kịch nghệ rất cao và sâu sắc. Thế mà anh đã tìm về với đất nước, tiến hành một công việc có quá nhiều khó khăn mà thu nhập chẳng bao nhiêu so với những nơi kia, chỉ nhằm đáp ứng được mong muốn mang lại cho nền sân khấu nước nhà một hướng đi mới, một hơi thở mới nhưng vẫn dựa vào vốn cổ.
Có thể nói công khó của anh cũng đã được đền bù phần nào. Bước đầu, vở kịch Sống là một huyền thoại đã đạt thành công.
Với thiết kế sân khấu đẹp cùng với mọi chi tiết từ phục trang, hoá trang, kỹ thuật video, đồ họa … được dày công nghiên cứu và thể hiện đầy tính nghệ thuật, tác giả kiêm đạo diễn Lê Quý Dương – người nắm vững kỹ thuật của phương Tây mà tấm lòng vẫn hướng về cội nguồn dân tộc – đã hình thành một thể loại sân khấu mới mẻ về hình thức mà vẫn mang đậm tính dân tộc trong nội dung. Tôi nghĩ rằng đây là một hướng phát triển hứa hẹn nhiều triển vọng của nghệ thuật sân khấu kết hợp kỹ thuật hiện đại mà không làm mất bản sắc văn hoá dân tộc Việt Nam.