Báo Lao Động số 352 Ngày 22/12/2006 Cập nhật: 7:52 AM, 22/12/2006
Một cảnh trong vở “Hồn quê” sử dụng ánh sáng chiếu vào hậu cảnh được coi là do đạo diễn Lê Quý Dương dùng lần đầu tiên.
Gần đây, qua Liên hoan Sân khấu thử nghiệm quốc tế lần thứ II tại Hà Nội, vở “Hồn quê” của đạo diễn Vương Duy Biên được đạo diễn Lê Quý Dương kết luận là lấy tới 70% ý tưởng từ vở “Những giấc mơ bí mật của Kangaroo và Tễu” cũng dựng ở Nhà hát Múa rối T.Ư cách đó hơn một năm.
Đạo diễn Lê Quý Dương đã gửi tới LĐ bài viết này (in 2 kỳ), với ý nguyện để rộng đường dư luận, Ban VH Báo LĐ mong được tiếp tục in các bài viết trao đổi của đạo diễn Vương Duy Biên cũng như các nhà hoạt động sân khấu khác…
Liên hoan Sân khấu thử nghiệm quốc tế lần thứ II được tổ chức tại Hà Nội đã kết thúc với những “thử nghiệm” đáng ghi nhận của giới sân khấu VN trước thềm hội nhập quốc tế.
Bản chất của mọi cuộc thử nghiệm là giới thiệu rộng rãi ra trước công chúng và giới chuyên môn những thành quả sáng tạo “đầu tiên” chưa được ứng dụng rộng rãi bao giờ, qua đó gợi mở và khích lệ đời sống thực tiễn sáng tạo những tiêu chí mới, những cách làm mới và những cung cách tiếp nhận mới.
Sáng tạo nghệ thuật là một dòng chảy. Dòng chảy ấy đi qua lăng kính cá nhân của mỗi người nghệ sĩ để trở thành tác phẩm với dấu ấn sáng tạo riêng biệt. Khát vọng cách tân của những người nghệ sĩ đi tìm cái mới thường được chắt lọc từ nhiều trăn trở. Bởi vậy mà nỗi buồn của người “đi tìm” sẽ sâu nặng và khó quên khi công lao mở đường khai phá của họ không được đánh giá và ứng xử một cách có văn hoá.
Có thể lấy cuộc tranh luận về sự “giống nhau” giữa hai vở rối “Những giấc mơ bí mật của Kangaroo và Tễu” và “Hồn quê” của Nhà hát Múa rối T.Ư mà cụ thể là hoạ sĩ Vương Duy Biên – Giám đốc nhà hát và bản thân tôi – tác giả, đạo diễn Lê Quý Dương, để làm một bài học kinh nghiệm chung cho tất cả chúng ta trong việc xây dựng một cách hành xử có văn hoá trong mối quan hệ nghề nghiệp của đời sống sân khấu hôm nay.
Hơn tất cả mọi lý lẽ và lập luận, cái lắng đọng trong bản chất người Việt của chúng ta là cái tình. Viết bài này, tôi không mưu cầu một lợi ích gì cho riêng mình, mà thực sự chỉ muốn cuộc tranh luận này sẽ thật “thấu tình đạt lý” để cả tôi và hoạ sĩ Vương Duy Biên cũng như bạn bè, đồng nghiệp và giới nghệ thuật nói chung sẽ rút được một kinh nghiệm nào đó.
Với tư cách là tác giả, đạo diễn và biên tập âm nhạc của vở “Những giấc mơ bí mật của Kangaroo và Tễu” dàn dựng tại Nhà hát Múa rối T.Ư năm 2005, từ TPHCM, tôi đã nhận được nhiều cuộc điện thoại của bè bạn và đồng nghiệp nói về sự giống nhau của vở diễn này với vở diễn “Hồn quê” do hoạ sĩ Vương Duy Biên dàn dựng cho nhà hát của mình năm 2006.
Tôi đã không bộc lộ bất cứ phản ứng gì, với lý do tôi chưa được xem vở “Hồn quê” do anh Biên dựng và hơn thế vì giữa tôi với anh Biên và Nhà hát Múa rối T.Ư có một mối quan hệ tốt từ trước tới nay. Cho tới khi xem vở “Hồn quê” tại Liên hoan sân khấu thử nghiệm lần thứ II này thì tôi thấy quả thực là phản ánh của bạn bè và giới chuyên môn hoàn toàn chính xác.
Tại cuộc hội thảo về vở diễn “Hồn quê”, tôi đã đặt vấn đề thẳng thắn là những sáng tạo ở vở diễn này được các nghệ sĩ dàn dựng cho rằng mình là “sự đầu tiên”, là “sự mở đường” trong việc thử nghiệm và cách tân múa rối nước truyền thống là hoàn toàn không chính xác, vì đó là những gì tôi đã làm trong vở “Những giấc mơ bí mật của Kangaroo và Tễu” một năm trước và giờ đây hoạ sĩ Vương Duy Biên lấy ra ý tưởng chủ đạo, thủ pháp và thậm chí các chi tiết sắp đặt để làm lại trong vở “Hồn quê”.
Tất nhiên trong việc “lấy ra” này có nhào nặn thêm – bớt và biến hoá đôi chút. Băng đĩa vẫn còn đó và tất cả những ai có sự nhìn nhận khách quan công bằng đã từng xem cả vở do tôi dựng và vở “Hồn quê” đều dễ dàng nhận ra điều này.
Trước việc đặt vấn đề của tôi tại hội thảo về sự “giống nhau” giữa hai vở diễn, hoạ sĩ Vương Duy Biên từ Pháp liên lạc về và các đại diện của Nhà hát Múa rối T.Ư đã có những ứng xử chưa thực sự xứng với tầm vóc văn hoá của những người lãnh đạo của một nhà hát múa rối quốc gia.
Thứ nhất là, tại cuộc hội thảo, sau khi tôi đặt vấn đề thì đại diện của nhà hát đã không có một ý kiến phản hồi nào. Khách quốc tế tại hội thảo ngạc nhiên về sự im lặng của đại diện nhà hát múa rối khi đó.
Thứ hai là, sau hội thảo, tôi chẳng những đã không nhận được một ý kiến nào từ phía nhà hát về vấn đề này. Ngược lại, Nhà hát Múa rối T.Ư, được sự chỉ đạo của hoạ sĩ Vương Duy Biên từ Pháp, đã tổ chức một cuộc họp báo tại nhà hát và mời một số nhà báo tới dự để thảo luận về vấn đề mà không có sự có mặt của tôi để đối thoại. Phản ứng kiểu như vậy dường như đã phần nào nói lên sự thật của vấn đề.
Tất cả những người có lương tâm và tri thức đều thấy những bài báo viết ra từ cuộc họp ấy tại Nhà hát Múa rối T.Ư có lẽ chưa đảm bảo tính khách quan và sức thuyết phục công luận trong việc phản ánh và tìm cách giải quyết vấn đề.
Thứ ba là, trên mặt báo, hoạ sĩ Vương Duy Biên với bức thư từ Pháp gửi về và một số thành viên của nhà hát thay nhau công kích tôi là người “không hiểu biết gì nghệ thuật sắp đặt”, là người “ngoại đạo với nghệ thuật múa rối”, kịch bản của tôi “nhạt nhẽo”, là “không ai lại đi ăn cắp ý tưởng của chính mình”, là vấn đề tôi đưa ra “không có căn cứ”.
Ngày tôi mới về dựng ở nhà hát, chính các anh, các chị đã ca ngợi tôi như thế nào? Và nếu như thực sự tôi là một tác giả, đạo diễn ngoại đạo với nghệ thuật múa rối, nhạt nhẽo và kém cỏi tới vậy thì tại sao các anh, các chị lại mở rộng cửa đón mời tôi về dựng, trả cho tôi nhuận bút tác giả và đạo diễn ở mức cao nhất theo quy định của Bộ VHTT và để tên tôi trên program với tư cách là tác giả và đạo diễn chính?
Chẳng lẽ chỉ vì mấy chục triệu tài trợ của phía Australia hay vì yêu cầu trao đổi văn hoá của chương trình mà các anh, các chị đã làm như vậy? Nếu quả thực như vậy thì tôi thực sự nghi ngờ quan điểm về trao đổi văn hoá của lãnh đạo nhà hát. (Xem tiếp số tới)
Đạo diễn: Lê Quý Dương