Các nghệ sĩ của Nhà hát Sydney Youth sử dụng khu công cộng để biểu diễn sân khấu mặt nạ
TT – “Nhà hát không có nhà để hát” – đó là cái khổ, cái khó của những người làm sân khấu VN. Nhưng đạo diễn trẻ Lê Quý Dương cũng nhìn thấy một lối ra.
14 năm học và làm sân khấu ở Úc và Mỹ đã cho anh một thực tế nhiều gợi mở…
Những cách tân của sân khấu hiện đại phương Tây thường được bắt đầu từ câu chuyện của các đạo diễn trẻ tốt nghiệp ra trường nhưng… chưa tìm được việc làm. Họ đã cùng nhóm họp nhau lại để thành lập các “nhà hát” với khát vọng mãnh liệt được bày tỏ mình trong đời sống sáng tạo sân khấu.
Đó là những “nhà hát” không có bất cứ một thứ gì ngoài những ý tưởng sáng tạo độc đáo và khát khao được làm nghề. Để có được sự ra đời của một vở diễn, tất cả đều được đi mượn, đi xin, đi vay, đi nhặt nhạnh, còn nếu buộc phải thuê thì với một… giá rẻ không ngờ.
Văn phòng làm việc của các nhà hát theo kiểu này là các quán cà phê, thư viện công cộng hay bất cứ nơi đâu có thể ngồi bàn bạc công việc mà không bị ảnh hưởng. Hợp đồng công việc của các nhà hát này là niềm say mê cháy bỏng như… nham thạch.
Tại Úc, những tên tuổi đạo diễn lừng danh như David Atkins, Aubrey Mellor, Barry Koski, Michael Kantor, Campion Decent, David Pledger, Tony Yap, Douglas Horton, Chris Mead, Marry Anne Gifford đều bắt đầu sự nghiệp đồ sộ của mình từ những nhà hát như vậy.
Nhóm Legs On The Wall (Những đôi chân trên tường) đã sử dụng một khu tháp nước cổ tại Sydney làm sân khấu biểu diễn trước hàng ngàn khán giả dưới quảng trường – Ảnh tư liệu
Ý tưởng từ số 0
Các sinh viên cuối khóa ngành đạo diễn thường được chuẩn bị sẵn sàng cả về kỹ năng và tâm lý để dàn dựng những vở diễn tốt nghiệp từ hai bàn tay trắng. Bởi đơn giản, nếu một người đạo diễn không biết dựng nên một vở diễn từ hai bàn tay trắng, chắc chắn cũng sẽ không biết dựng nên một vở diễn với kinh phí khổng lồ.
Sự thách thức kiểu như vậy có thể làm những trái tim nhạy cảm của các đạo diễn trẻ bị tổn thương. Trong thực tế đã có nhiều sinh viên ngành đạo diễn bỏ cuộc vì không chịu nổi áp lực hiện thực hóa giấc mơ sân khấu hoành tráng của mình bằng một con số 0 như vậy.
Thế nhưng ai cũng biết loài người đã đến với thế giới này và sáng tạo nên thế giới này cũng từ hai bàn tay trắng. Giảng viên ngành đạo diễn ở các nước phương Tây thường nói với các học viên đạo diễn của mình thế này: “Không có chủ đề cho các vở tốt nghiệp. Không có kinh phí cho các vở tốt nghiệp. Không có nhà hát cho các vở tốt nghiệp. Không có diễn viên và nhóm sáng tạo cho các vở tốt nghiệp. Nếu ai làm được vở tốt nghiệp thì nhớ thông báo chi tiết về thời gian, địa điểm và giá vé để chúng tôi tới xem. Đừng ngại giá vé của các bạn quá cao. Đừng ngại thời tiết hôm đó quá xấu. Thế nào chúng tôi cũng sẽ tới”.
Biết bắt đầu tất cả… bằng trí tưởng tượng độc đáo là một tố chất thứ hai của một người đạo diễn trẻ. Trí tưởng tượng còn quí hơn cả tri thức. Chính trí tưởng tượng đã là tiền đề làm nên văn minh con người. Trí tưởng tượng độc đáo sẽ là lực nam châm đầy thuyết phục thu hút những nguồn nhân lực và tài lực đến với người đạo diễn, và biến những điều tưởng tượng kỳ diệu nhất trở thành hiện thực.
Không có một trí tưởng tượng mang tính tổng thể của người đạo diễn, sẽ không bao giờ có một vở diễn sân khấu tổng thể. Khi ấy dù người đạo diễn có những diễn viên giỏi đến đâu đi nữa và dù câu chuyện kịch có hấp dẫn đến đâu đi nữa, thì vở diễn vẫn chỉ đạt ở trình độ của nghệ thuật diễn kể, nghĩa là diễn trò và kể chuyện chứ không phải nghệ thuật sân khấu tổng thể.
Sự thách thức trở thành nỗi bức xúc lớn của các đạo diễn trẻ là vấn đề nhà hát. Nếu không có nhà hát là nơi diễn ra một vở diễn thì vẫn chưa thể có một vở diễn sân khấu. Nhưng có nhất thiết một vở diễn sân khấu cứ phải được dàn dựng trong các mô hình nhà hát hình hộp với bức tường thứ tư theo kiểu sân khấu truyền thống Ý không?
Tại sao một vở diễn sân khấu không thể diễn ra ở bất cứ một nơi nào phù hợp với trí tưởng tượng độc đáo của người đạo diễn? Các đạo diễn trẻ còn có thể đặt ra những câu hỏi thế này: Tại sao khán giả tới xem vở diễn lại phải ngồi cố định trong một chiếc ghế nhỏ hẹp và chỉ nhìn về phía trước? Họ có thể đi lại và nhìn ra bốn phía xung quanh được không? Họ có thể không cần ngồi thụ động với chiếc ghế của mình nữa mà phải đứng lên chui luồn, leo trèo và thậm chí bò trườn trong hành trình khám phá vở diễn được không? Họ có thể sờ chạm vào nhân vật kịch được không? Tại sao không tìm cách cho họ bay lên và ngã xuống để nếm trải cùng nhân vật tất cả những cung bậc khác nhau của cảm xúc?…
Sự bay bổng trong ngôi nhà hoang
Chính các đạo diễn trẻ phương Tây đã trả lời các câu hỏi đó bằng những vở diễn mang đầy tính cách tân trong việc xử lý không gian. thời gian và mối quan hệ giữa sân khấu với khán giả. Họ đã tạo nên một cuộc cách mạng lớn trong việc xây dựng một quan niệm mới về “nhà hát” của sân khấu hiện đại. Họ không phủ nhận các nhà hát có cấu trúc hình hộp, nhưng hàng loạt mô hình nhà hát mới đã ra đời từ chính các vở diễn với hình thức sân khấu mới.
Nếu như trước đây các nhà hát là nơi tạo nên các vở diễn sân khấu, thì ngày nay chính các vở diễn sân khấu là nơi xác định sự hiện diện của các nhà hát. Điều này tạo nên một đời sống sân khấu phong phú, đa dạng, bay bổng với tính xã hội hóa vô cùng sâu rộng.
Nhóm đạo diễn trẻ của Performance Space tại Sydney đã phát hiện một khu nhà ga xe lửa Sydney bị bỏ hoang. Họ liên hệ với những người quản lý ngành đường sắt và hội đồng thành phố.
Chỉ vài tháng sau chính khu nhà ga tối tăm, nơi thường cư ngụ của những kẻ nát rượu và nghiện ngập, bỗng trở thành một sân khấu biểu diễn thu hút hàng nghìn khán giả. Các đạo diễn trẻ của Nhà hát Chunky Move tại Melbourne thì phát triển các ý tưởng dàn dựng của mình tại những nơi công cộng như các cửa hàng liền kề chưa được cho thuê tại các siêu thị, những chiếc cầu ít người qua lại, những sạp chợ và thậm chí là cả những toa xe điện không còn được sử dụng nữa. Các đạo diễn của Nhà hát Legs On The Wall đã bắt đầu các chương trình biểu diễn của mình trên bề mặt của những tòa nhà cao tầng.
Các đạo diễn trẻ trong thế giới sân khấu phương Tây đang hành nghề hết sức năng động. Họ bay bổng với trí tưởng tượng của mình và tìm một mô hình không gian sân khấu phù hợp cho trí tưởng tượng ấy thành hiện thực. Đừng ngại không có những sự ủng hộ mà chỉ ngại không có ý tưởng mới lạ. Đừng ngại sẽ không có những ý tưởng mới lạ mà chỉ ngại sẽ không có đủ tình yêu trong mình để cháy lên thành một ngọn lửa với nghề nghiệp đạo diễn, một nghề thật lắm vinh quang nhưng cũng rất nhiều thử thách và bất hạnh.
ĐẠO DIỄN: LÊ QUÝ DƯƠNG