Con đường sáng tạo mà anh lựa chọn thực sự rẽ sang bước ngoặt khi cách đây 15 năm gần như với hai bàn tay trắng, Lê Quý Dương sang Australia du học với lời hứa không thành công quyết không trở về. Người học trò nghèo với muôn vàn khó khăn nơi đất khách quê người đã không ngại bất cứ công việc chân tay nặng nhọc nào từ bán bánh mỳ, chạy bàn nhà hàng, vác phân gà bón cho cây ớt, hái cam hay hái nho dưới cái nắng tưởng như có thể tan chảy mọi thứ trên đời ấy đã gặt hái được rất nhiều kỳ tích gây kinh ngạc không chỉ cho người dân xứ sở Kangaroo mà còn làm sửng sốt giới nghệ thuật của nhiều nước. Ông Aubrey Mellor – nghệ sĩ công huân , giám đốc trung tâm Kịch nghệ quốc gia Liên bang Australia trong bài phát biểu đánh giá tác phẩm của Lê Quý Dương đã nói: “Lê Quý Dương đã không dùng những tinh hoa của sân khấu Việt Nam, nơi từ đó anh đến Australia để làm ngạc nhiên khán giả Australia, anh cũng không lấy nguyên xi những thành tựu sân khấu hiện đại Australia để làm ngạc nhiên khán giả quê hương anh. Lê Quý Dương đã vô cùng tinh tế và thông minh cả hai yếu tố đó để làm thành một phong cách sáng tạo nghệ thuật của riêng anh, một phong cách mới lạ độc đáo, được kết tinh từ những gì đẹp nhất của hai nền văn hóa”. Vị giáo sư âm nhạc Dominique Probst, tại Nhạc viện Paris, người đã cộng tác với anh trong vở opera: Đất mẹ (Motherland) với sự tham gia của các nghệ sĩ đến từ 12 nước khác nhau cũng nhận xét về Lê Quý Dương: “Tôi thực sự sửng sốt trước sự nhạy cảm và trí tưởng tượng có thể giúp chúng ta vượt lên khỏi hiện thực để tìm tới vẻ đẹp của sáng tạo nghệ thuật”. Với rất nhiều giải thưởng danh giá và tên tuổi đã được khẳng định tại Australia, Lê Quý Dương đã không chọn cho mình con đường rất thuận lợi trên mảnh đất mà công chúng sẵn sàng chào đón và bỏ tiền cho những điều mới lạ, anh trở về với mảnh đất quê hương nơi khán giả đã quá quen với việc bỏ tiền mua cái quen thuộc. Anh đã vấp phải cái bi kịch của người nghệ sĩ Việt Nam: khi cái mới, cái sáng tạo không được công chúng chấp nhận ngay. Nhưng đời sống nghệ thuật nước nhà làm sao phát triển được khi không tạo ra những giá trị mới, chẳng lẽ nghệ thuật Việt Nam luôn chấp nhận là người lẽo đẽo đằng sau giới nghệ sĩ các nước. Chính sự khao khát sáng tạo và điều trăn trở liệu nghệ thuật sân khấu Việt Nam có phát triển ngang bằng với thế giới hay không đã giúp anh đương đầu với thử thách. Không trông chờ vào sự hỗ trợ kinh phí nhà nước, Lê Quý Dương đã thành lập công ty Mỹ Phát với 5 chức năng chính: đào tạo tập huấn chuyên môn nghệ thuật biểu diễn, quản lý tổ chức sự kiện, lễ hội, sản xuất các chương trình phim, tổ chức các dự án giao lưu với quốc tế và một phần không nhỏ lợi nhuận từ 4 chức năng này của Mỹ Phát, anh đầu tư cho chức năng thứ 5, chức năng như là một thử thách của công ty và cũng là một sự tìm tòi cái mới cho nghệ thuật sân khấu Việt Nam: đó là sân khấu thử nghiệm, và các chương trình nghệ thuật thử nghiệm. Theo dõi các chương trình nghệ thuật thử nghiệm và chính thống do Lê Quý Dương dàn dựng, giáo sư tiến sĩ Trần Văn Khê nói: “Tôi thật sự hoan nghênh người tác giả, đạo diễn trẻ có tri thức và trí thức, nhưng hơn tất cả là có một tấm lòng với quê hương đất nước, với văn hóa nghệ thuật dân tộc. Tôi rất vui vì từ trước tới nay, trong suốt cuộc đời, tôi luôn quyết lòng bảo vệ cái cổ mà không nệ cổ, làm sao tìm được cái mới mà cái mới không phá bản sắc dân tộc Việt Nam. Điều tôi mong muốn, Lê Quý Dương là một trong những người đã, đang và tôi tin người nghệ sĩ trẻ sẽ tiếp tục làm được. Tôi rất mong mỏi sẽ có nhiều nghệ sĩ có tài, có trí, có cái nhìn phóng khoáng, có cái tâm Việt Nam thì tương lai văn hóa nghệ thuật của Việt Nam sẽ đầy triển vọng tốt tươi”. Không phụ lại mong mỏi của GS, TS Trần Văn Khê, Trung tâm sân khấu Lê Quý Dương được thành lập. Anh cho biết: “Tôi thành lập Trung tâm vì muốn truyền ngọn lửa cho những bạn trẻ yêu thích nghệ thuật để họ tiếp nối công việc tìm ra những giá trị mới. Tôi quan niệm sự sáng tạo nghệ thuật đi qua mình chứ không phải đi từ mình. Nếu đi qua mình, nó sẽ đến tiếp với thế hệ sau như một cuộc chạy tiếp sức. Còn nếu đi từ mình, một ngày nào đó nó sẽ cạn kiệt. Chính vì vậy, tiêu chí của Trung tâm được xây dựng dựa trên năm nguyên tắc mà các học viên sẽ được đào tạo: đánh giá đúng giá trị truyền thống, thừa nhận sự khác biệt, kết nối tài năng, kích thích trí tưởng tượng, tôn trọng cá tính sáng tạo”. Và khi đã vui với niềm vui sáng tạo, thì những niềm vui khác dường như vô nghĩa, Lê Quý Dương quên cả chuyện riêng tư, dành tất cả thời gian, sức lực cho sự nghiệp tìm kiếm những cái mới trong sáng tạo nghệ thuật. Người đạo diễn ấy vẫn luôn tôn vinh chất Việt trong mọi tác phẩm và mong mỏi hướng tới dàn dựng những lễ hội văn hóa, thể thao và du lịch thực sự là nơi tôn vinh và kết nối bản sắc tâm hồn dân tộc Việt Nam với cộng đồng văn hóa thế giới.
Tạp chí Heritage Oct – Nov 2008
Tác giả: Thu Hoa
Bài viết kèm hình ảnh Rước vua Quang Trung – một trong những hoạt động của Festival Tây Sơn – Bình Định