Thực ra khái niệm “thể nghiệm” không còn xa lạ với những người hoạt động và khán giả đích thực của sân khấu. Thể nghiệm có thể hiểu là kịch bản viết theo kiểu khác với lối kết cấu truyền thống, có thể không cần cốt truyện. Đạo diễn có thể bất chấp logic hiện thực tâm lí miễn sao đạt được ý đồ họ muốn…
Tuy nhiên đạo diễn Lê Quý Dương đưa ra khái niệm: “Sân khấu thể nghiệm mới” thông qua vở “Chợ Đời” thì mọi việc đã trở nên khác. Nhiều người không hài lòng. Điều này cũng dễ hiểu bởi người ta đã quá quen với cái cũ. Nhưng không ít người cảm ơn đạo diễn này. Tại sao phải cảm ơn? Vì họ được tự do tiếp nhận tác phẩm theo cách tư duy và quan điểm của họ.
Các tác phẩm của Lê Quý Dương luôn đưa người xem vào thế giới của suy tư và tưởng tượng. Người xem luôn bị thôi thúc phải động não cùng với những gì diễn ra trên sân khấu. Điều đó đòi hỏi ở khán giả có một vốn trí thức sâu rộng và khả năng tri thức nhận biết và cảm xúc. Đó là một phong cách nghệ thuật hướng người xem tới một hiện thực cao hơn hiện thực đời thường để từ đó họ có thể soi rọi cuộc đời mình đang sống một cách khách quan và sáng tạo. Đó có thể là một phong cách nghệ thuật khó xem đối với những khán giả chỉ muốn thưởng thức một logic thông thường của hiện thực hàng ngày. Nhưng đó đồng thời cũng là một phong cách độc đáo gợi mở những suy tư và cảm hứng nghệ thuật cho những khán giả muốn đến khán phòng để thoát khỏi cuộc đời hàng ngày và tìm tới những vùng miền sâu thẳm nhất của cảm xúc và tưởng tượng. Giáo sư tiến sĩ Trần Văn Khê đã nhận định “các tác phẩm của Lê Quý Dương đòi hỏi ở người xem một đôi mắt mới, một đôi tai mới và một cách cảm thụ nghệ thuật mới”. Cái mới ở đây không phải là các dị biệt khác thường mà là sự sáng tạo được soi chiếu qua một lăng kinh khác và ở một tầng sâu khác của xúc cảm tâm hồn.