Tác giả: Đạo diễn LÊ QUÝ DƯƠNG
Ở độ tuổi có thể bình thản mỉm cười trước tất cả mọi chuyện xảy ra với đời và với mình, ai cũng chắc chắn tin rằng GS.TS. Trần Văn Khê, suốt hơn 90 năm sống, đi, trải nghiệm và làm việc miệt mài khắp nơi trên thế giới, giờ đây chắc phải đang nghỉ ngơi an nhàn lắm trong căn biệt thự thoáng rộng do nhà nước Việt Nam trao tặng để tri ân những công lao đóng góp to lớn của ông đối với nghệ thuật âm nhạc truyền thống dân tộc Việt Nam. Nhưng không phải vậy. GS.TS. Trần Văn Khê vẫn đang từng ngày từng giờ miệt mài làm việc trong căn phòng nhỏ vừa đủ kê một chiếc giường đơn giản dị và một bộ bàn làm việc luôn đầy ắp bản thảo giấy tờ. Phần còn lại của căn biệt thự được giành làm nơi lưu trữ và bảo quản hàng chục nghìn ấn phẩm, sách báo, tài liệu, băng đĩa về các nền âm nhạc truyền thống của Việt Nam và thế giới vốn là kết quả nghiên cứu suốt cả một cuộc đời vô cùng dung dị, khiêm nhường nhưng rất vinh quang của ông.
Riêng phòng khách lớn có thể được so sánh như một thánh đường thu nhỏ của nghệ thuật âm nhạc truyền thống. Nơi đây được trưng bày trang trọng các nhạc cụ độc đáo của âm nhạc dân tộc Việt nam. Những cây đàn đã cùng GS.TS Trần Văn Khê đi giới thiệu và biểu diễn ở nhiều quốc gia trên đủ cả năm châu lục. Không thể đếm được căn phòng ấy đã đón tiếp biết bao nhiêu lượt khách trong nước và quốc tế thuộc đủ mọi thành phần và lứa tuổi. Từ các vị chính khách, các nhà ngoại giao, các doanh nhân, học giả, trí thức, nghệ sỹ nổi tiếng, cho đến những người cao tuổi đã về hưu, du khách quốc tế, sinh viên và học sinh các trường đại học, phổ thông trung học và cả các em thiếu niên, nhi đồng cũng đến. Sức hấp dẫn của nơi đây không có gì khác hơn là lòng nhân ái, tình yêu dành cho nghệ thuật truyền thống dân tộc Việt Nam và trên hết tất cả là niềm cảm hứng vô tận để sống, để làm việc, để biết yêu thương và trân trọng, để có thêm nghị lực vượt qua những khó khăn, để hiến dâng từng hơi thở và từng nhịp đập của trái tim cho cuộc đời mà GS.TS. Trần Văn Khê mang đến cho mọi người khi có dịp may mắn được tiếp xúc với ông.
Các bạn sẽ thực sự choáng váng khi biết về cuộc đời và sự nghiệp của Giáo sư Tiến sỹ Trần Văn Khê. Con người thật bình dị và hiền từ trò chuyện bằng trọn cả một tấm lòng với bất cứ ai từ đâu đến lại nguyên là Giáo sư đại học Sorbonne Paris suốt hơn 30 năm, và cũng chừng ấy năm là giáo sư chỉ đạo nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp – Chuyên ngành âm nhạc (Centre National de la Researche Scientifique – CNRS). Ông đã hướng dẫn thành công 40 luận án Tiến sỹ cho sinh viên tại đại học Sorbonne Paris, đã đi thỉnh giảng và giới thiệu nhạc truyền thống Việt Nam tại các Đại học Quốc gia của hơn 20 nước, trình bày tham luận nghiên cứu tại hơn 200 hội nghị quốc tế tại 67 quốc gia trên khắp thế giới. GS.TS. Trần Văn Khê có hàng trăm bài viết đăng trên các tạp chí chuyên ngành về âm nhạc và nghệ thuật truyền thống của các nước. Tên tuổi của ông được giới thiệu và vinh danh trang trọng trong nhiều bộ Bách Khoa Tự Điển của Pháp, Anh, Mỹ, Ý. Ông là Thành viên Danh dự – Hội đồng Quốc tế Âm nhạc (UNESCO), Viện sỹ thông tấn Hàn lâm viện Châu Âu – Khoa học, Văn chương, Nghệ thuật.
Và ông đã để lại phía sau cả một sự nghiệp chói lọi để trở về với những mạch nguồn di sản nơi chính từ đó ông đã đến và trở thành một tài năng, một nhân cách tầm cỡ thế giới, có một không hai của dân tộc Việt Nam. GS. TS. Trần Văn Khê được hôm nay ghi nhận và những thế hệ tương lai sẽ mãi mãi tri ân bởi chính ông đã là một trong rất ít những người đầu tiên giới thiệu những tình hoa đặc sắc, độc đáo của âm nhạc truyền thống Việt nam ra quốc tế. Ông đã được chỉ định làm cố vấn đặc biệt của UNESCO để đánh giá và tôn vinh Nhã Nhạc Cung Đình Huế và sau này là Nghệ thuật Cồng Chiêng Tây Nguyên của Việt Nam trở thành Kiệt tác của Di sản Truyền khẩu và Phi vật thể của Nhân loại. Bằng nhiều năm làm việc kiên trì và không mệt mỏi ở cả nước ngoài cũng như khi đã trở về nước, GS.TS. Trần Văn Khê đã thực sự góp phần to lớn làm sống dậy bằng việc giới thiệu ra quốc tế nghệ thuật Ca Trù, Quan họ, hát Chèo, Múa rối nước của miền Bắc, Đờn ca Tài tử và hát Bội Miền Nam. Từ không gian rộng lớn của đời sống nghiên cứu, giảng dạy và sáng tạo trong âm nhạc truyền thống và văn hóa nghệ thuật quốc tế, trở về với cội nguồn di sản dân tộc, GS.TS. Trần Văn Khê đã đem theo về toàn bộ tài sản vật chất của cuộc đời ông với hơn 430 kiện hành lý gồm hơn 8000 cuốn sách, 2000 tạp chí nghiên cứu chuyên ngành âm nhạc, 40 tập bản thảo nghiên cứu, 800 đĩa than, 600 đĩa CD, 1000 băng từ, 600 băng video VHS, hơn 100.000 bức ảnh đen trắng và ảnh màu. Tất cả đều về âm nhạc và văn hóa nghệ thuật truyền thống của nhiều nước trên thế giới. Đó là một kho tư liệu vô cùng quý giá được dành tặng cho thế hệ mai sau với tất cả tâm huyết cháy bỏng nhất của một nhà nghiên cứu tầm vóc thế giới.
Ít ai biết GS.TS. Trần Văn Khê đã từng làm rất nhiều nghề để kiếm sống trong những năm tháng đầu tiên nơi đất khách quê người. Ông đã từng làm thông dịch viên, làm cả lồng tiếng cho hơn 200 bộ phim và từng cả đóng phim tại Pháp. Ông tự nói mình có nhiều bệnh trong người và từng ngày sống là từng ngày chiến đấu với bệnh tật kể cả khi ông còn trẻ. Cuộc đời đầy thử thách, khó khăn của ông đã không ngăn được đam mê và khát vọng đưa âm nhạc truyền thống dân tộc đi sâu vào trong cộng đồng dân chúng Việt Nam và vươn rộng ra với bạn bè quốc tế. Giữa những ngày xuân Quý Tỵ này, tôi đến thăm ông và thấy có một nỗi buồn phảng phất trong đôi mắt thật hiền hậu và nhân từ của ông nhớ người bạn từ thuở thiếu thời là cố nhạc sỹ Phạm Duy vừa mới qua đời. Tôi hỏi mới biết hóa ra GS. TS. Trần Văn Khê sinh đúng vào ngày Rằm tháng 6 năm Tân Dậu, tức ngày 24 tháng 7 năm 1921. Cố nhạc sỹ Lưu Hữu Phước sinh vào tháng 9 năm 1921 và cố nhạc sỹ Phạm Duy sinh vào tháng 10 cùng năm. Người bạn chung thủy bồi hồi ngồi trước mặt tôi chân tình kể về những kỷ niệm của “ba con gà” cùng sinh năm Tân Dậu 1921. Họ đã trở thành ba cây đại thụ, ba tên tuổi vượt thời gian của nền âm nhạc Việt Nam. Hai người đã trở về với cội nguồn. May mắn cho những thế hệ hôm nay, GS.TS Trần Văn Khê vẫn còn tràn đầy khát vọng, trong căn phòng bé nhỏ của ông mà ngỡ như người vừa đến từ những mạch nguồn của di sản dân tộc Việt Nam, ân cần dạy cho những đứa trẻ đang lớn lên giữa thời đại kỹ thuật số và chủ nghĩa tiêu dùng, đừng bỏ quên từng câu từng nhịp của những khúc hát đồng dao.