Festival Huế 2012 – Tác Giả Kịch Bản, Tổng Đạo Diễn Và Dàn Dựng Chương Trình: Lê Quý Dương
Dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế Ngô Hòa, các đại biểu là đại diện của các cơ quan, ban, ngành liên quan đã thống nhất với chủ trương của tỉnh về việc tổ chức “Thiên hạ thái bình” thành một lễ hội hoành tráng trong kỳ Festival Huế 2012. Đây là sự tiếp nối với 2 chương trình đã được tổ chức tại các kỳ Festival trước là “Huyền thoại sông Hương” và “Hành trình mở cõi”.
Thiên Hạ Thái Bình là một trong những lễ hội chính của Festival Huế 2012. Lễ hội được xây dựng từ ý tưởng tôn vinh khát vọng cháy bỏng của cả nhân loại và cũng là của dân tộc Việt Nam, một dân tộc luôn luôn phải đương đầu với họa ngoại xâm trong suốt mấy ngàn năm lịch sử hình thành và phát triển, về một đất nước thống nhất, thiên hạ thái bình, nhân dân no ấm.
Vào thế kỷ thứ X, trong trận đại chiến chống quân Tống lần thứ nhất trên sông Bạch Đằng, bài thơ Nam Quốc Sơn Hà đã được Lê Hoàn dõng dạc tuyên bố như một lời khẳng định đanh thép về chủ quyền và ý chí bất khuất của dân tộc Việt Nam:
“Sông núi nước Nam vua Nam ở,
Rành rành định phận tại sách trời”
Bài thơ Thần ấy được xem là bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc Việt.
Và đến thế kỷ XV, sau khi đánh đuổi giặc Minh ra khỏi bờ cõi đất nước, vua Lê Thái Tổ đã ban bố Bình Ngô Đại Cáo, một lần nữa khẳng định chủ quyền độc lập của dân tộc:
“Như nước Đại Việt ta từ trước,
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu”.
Đến thế kỷ XIX, sau khi thống nhất đất nước từ ải Nam Quan đến Mũi Cà Mau, trong bản tuyên ngôn lần thứ ba, niềm tự hào về một đất nước văn hiến, hùng cường, thái bình thịnh trị lại càng vang lên mạnh mẽ:
“Nước ngàn năm văn hiến,
Thống nhất toàn giang san
Thuở Hồng Bàng lập quốc
Thịnh trị cả trời Nam”
Bài thơ mang tính chất tuyên ngôn này được các vua triều Nguyễn cho chạm khắc vào vị trí trang trọng nhất trong điện Thái Hòa- ngôi điện đặt chiếc ngai vàng biểu trưng quyền lực của triều đại.
Từ ý tưởng muốn làm bừng sáng khát vọng ngàn đời của dân tộc qua ngôn ngữ diễn xướng cung đình, một lễ hội ‘sân khấu hóa’ độc đáo đã được dàn dựng công phu cho Festival Huế 2012- lễ hội Thiên Hạ Thái Bình.
Tác giả kịch bản đã lựa chọn những bài thơ hay nhất của những thi nhân tài hoa hàng đầu Việt Nam đầu thế kỷ XIX, vốn được tuyển chọn và khắc trên các kiến trúc cung đình Huế để làm mạch dẫn cho vở diễn dài 3 chương 9 hồi này.
Từ “Nước ngàn năm văn hiến” (chương 1) đến “Muôn dân hưởng thái bình” (chương 2), và kết bằng “Thịnh vượng một trời Nam” (chương 3), Thiên Hạ Thái Bình sẽ đưa khán giả vào một thế giới lung linh tuyệt đẹp và đầy chất lãng mạn, trữ tình bởi vẻ đẹp của thi- ca- nhạc- họa sóng sánh cùng mặt nước dòng Hương Giang trong đêm.
Sân khấu nổi trên sông Hương với phần trung tâm là hình ảnh quả cầu Cửu Long (một bảo vật của Huế, cũng là biểu tượng của năm Rồng) và hậu cảnh là chiếc cầu Trường Tiền duyên dáng sẽ trở thành tâm điểm thu hút mọi ánh nhìn tại quãng sông trung tâm thành phố Huế vào tối 12/4/2012.
Một nhân tố nữa đảm bảo cho sự thành công của Thiên Hạ Thái Bình là sự tham gia của đạo diễn Lê Qúy Dương, người đã gắn bó với Huế từ Festival 2006, cùng đội ngũ nghệ sỹ, diễn viên và nhạc công tài năng của Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế.
Ban tổ chức Festival Huế 2012 khẳng định chương trình Thiên Hạ Thái Bình sẽ là lễ hội “đinh” của Festival năm nay, và ở một góc độ ý nghĩa nào đó, đây là sự kế thừa, phát triển của các lễ hội do Trung tâm BTDT CĐ Huế thực hiện từng làm nên danh tiếng của những Festival Huế trước đây như Huyền Thoại Sông Hương, Hành Trình Mở Cõi./.
VIDEO