Để mở đầu cho chương trình giao lưu và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực văn hoá nghệ thuật do công ty Lê Quý Dương sáng tạo và thực hiện từ nay đến năm 2010, mừng Đại Lễ Kỷ Niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội, suốt những ngày qua khán giả tại TPHCM và Hà Nội đã có dịp thưởng thức vở kịch nổi tiếng thế giới của đại thi hào William Shakespeare: Romeo & Juliet, do các diễn viên chuyên nghiệp của Anh khiến khán giả VN và nước ngoài một lần nữa say sưa, đắm mình trong không khí lãng mạn của câu chuyện tình nổi tiếng khắp thế giới.. Đây là sự kiện đặc biệt nhằm hưởng ứng năm ngoại giao văn hoá 2009.
“Tôi hy vọng những chuyến biểu diễn thế này sẽ góp phần tạo thêm cơ hội cho khán giả Việt Nam và giới chuyên môn được thưởng thức sáng tạo nghệ thuật, trao đổi kinh nghiệm nghề nghiệp với các nghệ sĩ và đồng nghiệp đến từ nhiều nước khác nhau trên thế giới. Thông qua chương trình này, tôi mong muốn trong tương lai không xa Việt Nam sẽ trở thành điểm đến, một địa danh trên bản đồ sân khấu thế giới. Xa hơn nữa là khát khao làm được festival sân khấu tại Việt Nam. “
(Đạo diễn Lê Quý Dương chia sẻ)
Trước ngày khai diễn, ít ai nghĩ nhà hát kịch TPHCM có thể đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật cho một “ vở kịch quốc tế” đã được công diễn hơn 40 quốc gia trên thế giới. Nhưng tất cả đều bất ngờ . Vài chiếc bục gỗ, tấm màn kéo và vài mảnh vải đủ cho những gì gọi là đạo cụ cho một vở kịch kinh điển. Nó hoàn toàn khác với những gì người ta thường nghĩ về cách dàn dựng một tác phẩm đã nổi tiếng khắp thế giới như Romeo & Juliet: Hoành tráng và rực rỡ.
Sân khấu đơn giản nhưng không hề đơn điệu bởi sự diễn suất tinh tế và chuyên nghiệp của các nghệ sĩ. Sự năng động của họ đưa khán giả từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Ngôn ngữ tả thực và tính ước lệ được xử lý tinh tế trong một vở kịch kinh điển đồ sộ. Sự khéo léo, uyển chuyển của diễn viên khiến những phần thứ yếu trên sân khấu không còn nhiều ý nghĩa. Vì vậy, dù vở diễn kéo dài hơn 2 giờ đồng hồ nhưng khán giả không hề cảm thấy nhàm chán. Tất cả bị cuốn theo từng động tác hình thể, ánh mắt và hành động của nhân vật.
Một điều thú vị khác, khó có thể tưởng tượng được với một vở kịch như Romeo & Juliet, cả đoàn nghệ sĩ của nhà hát TNT đến Việt Nam chỉ có …8 người. Trong đó, 2 người là nhà sản xuất và phụ trách kỹ thuật. Còn lại 6 diễn viên (lớn tuổi nhất là 40) phải đảm trách nhiều vai diễn khác nhau để hoàn thành vở kịch một cách hiệu quả nhất. Ngoài việc phải làm tốt vai trò chính của mình là “diễn”, các nghệ sĩ phải kiêm luôn các khâu từ hậu đài, hoá trang, trang phục và những công việc không tên khác…Xem kịch, ngoài 2 nhân vật Romeo & Juliet do 2 diễn viên Dan Wilder và Rachel Lynes đảm nhận suốt vở diễn, khán giả có thể nhận ra diễn viên Richard Ede vừa là Tybalt nóng nảy và cũng là cha xứ Lawrence nhân từ. Hoặc người đóng vai Bá Tước Paris lại trở thành mẹ Juliet..
Tất cả những điều này nói lên tài xử lý sân khấu tuyệt vời của đạo diễn Paul Stebbings, người đã rất thành công với nhiều tác phẩm khác ngoài Romeo & Juliet. Tuy nhiên mang Romeo & Juliet đi lưu diễn bởi đây là tác phẩm kinh điển, gần gũi, khán giả sẽ chú trọng nhiều vào cốt truyện qua phần diễn suất của diễn viên chứ không quá nặng nề dàn dựng sân khấu.
Để có được những ngày Romeo & Juliet “ ngoại” tại Việt Nam là cả quá trình cố gắng của đạo diễn Lê Quý Dương, người bắc cầu cho chương trình nghệ thuật này. Đạo diễn Lê Quý Dương cho biết: theo kế hoạch, tháng 11/2009 công ty TNHH Lê Quý Dương tiếp tục đưa đoàn nghệ thuật của Đan Mạch và Đức sang biểu diễn. Khán giả Việt Nam sẽ được thưởng thức nhiều món ăn tinh thần hấp dẫn, và những người làm nghệ thuật trong nước sẽ có cái nhìn mới mẻ về cách làm nghệ thuật trong thời kỳ mới.
Diễn viên Rachel Lynes (Juliet Capulet, trái) và diễn viên Dan Wilder (Romeo Montague) trong một khung cảnh lãng mạn.
Ít khi khán giả trong nước được thưởng thức một vở kịch kịch kinh điển thế giới do nghệ sĩ quốc tế thể hiện. Dù thiết kế của nhà hát kịch TP HCM chưa chuẩn và chưa phù hợp cho việc diễn viên diễn không cần micro, các nghệ sĩ Anh đã làm điều này rất thành công.
Cảnh “nóng” giữa Romeo và Juliet được xử lý rất khéo léo. Điều đặc biệt nhất mà các nghệ sĩ của nhà hát TNT mang đến cho khán giả Việt Nam là họ đã không lạm dụng âm nhạc hoặc ngoại cảnh sân khấu để phụ trợ cho diễn xuất. Thậm chí, trong những cảnh lãng mạn nhất, khán giả cũng không nghe thấy bài hát A time for us kinh điển. Âm nhạc đã được tiết chế để dành chỗ cho diễn xuất thật sự của diễn viên.