Từ ngày 5 đến 10-9-2013, tại TPHCM, Trung tâm Đào tạo chuyên nghiệp và giao lưu quốc tế ngành sân khấu biểu diễn thuộc Công ty TNHH Mỹ Phát phối hợp với Cơ quan đại diện Bộ VH-TT-DL tại TPHCM, Hội Sân khấu TP, Trường Trung cấp Múa TP và Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần tổ chức Festival các trường sân khấu quốc tế lần thứ I năm 2013 – khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Dịp này, PV Báo SGGP đã trao đổi với đạo diễn Lê Quý Dương (ảnh), Trưởng ban Tổ chức kiêm Tổng đạo diễn festival.
* Phóng viên: Điều gì đã thôi thúc anh khởi xướng tổ chức Festival các trường sân khấu quốc tế lần thứ I năm 2013 – khu vực châu Á – Thái Bình Dương tại Việt Nam?
* Đạo diễn LÊ QUÝ DƯƠNG: Mong muốn lớn nhất của tôi là góp phần cùng với Bộ VH-TT-DL thúc đẩy các hoạt động đào tạo sân khấu chuyên nghiệp ở Việt Nam và mở rộng các chương trình giao lưu hợp tác chuyên môn với nước ngoài. Festival được tổ chức là cơ hội quý báu cho Việt Nam và các nước châu Á – Thái Bình Dương trong việc giao lưu và mở ra các chương trình hợp tác quốc tế ở lĩnh vực đào tạo chuyên ngành sân khấu biểu diễn vốn là một lĩnh vực đang gặp nhiều khó khăn. Một thế giới đổi thay và nhiều khủng hoảng với sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin và xã hội tiêu dùng đang tác động mạnh đến nhiều lĩnh vực hoạt động, trong đó có nghệ thuật sân khấu biểu diễn. Việc tổ chức nội dung các chương trình đào tạo sân khấu ra sao? Hình thức giảng dạy và học tập như thế nào cho thật sự có hiệu quả? Xử lý sao cho thật hài hòa mối quan hệ giữa các giá trị truyền thống và sáng tạo hiện đại? Định hướng các chương trình hợp tác quốc tế để thực sự hữu ích?… Đó là các vấn đề chính mà các đại biểu tham dự festival sẽ trao đổi qua các buổi tọa đàm, hội thảo, các buổi tập huấn thực hành chuyên môn và các vở diễn của sinh viên các trường sân khấu quốc tế.
* Đến nay, đã có bao nhiêu trường nghệ thuật đăng ký tham gia?
* Dự kiến có trên 120 đại biểu và sinh viên 15 trường đào tạo sân khấu và kịch nghệ chuyên nghiệp của 10 quốc gia tham dự, gồm: Trung tâm Kịch nghệ quốc gia Australia; Trường Đại học Sân khấu Wollongong, Australia; Học viện Sân khấu Thượng Hải, Trung Quốc; Học viện Sân khấu Quốc gia, Trung Quốc; Viện Nghệ thuật Yogyakarta, Indonesia; Đại học Sân khấu Hoseo, Hàn Quốc; Trường Đại học Sân khấu Quốc gia, Hàn Quốc; Trường Đại học Sân khấu Sains, Malaysia; Trường Đại học Sân khấu Quốc gia, Mông Cổ; Trường Sân khấu Lasalle, Singapore; Trường Nghệ thuật Quốc gia Taipei, Đài Loan (Trung Quốc); Trường Đại học Nghệ thuật Chulalongkom, Thái Lan; Trường Sân khấu Ateneo, Philippines và Trung tâm Sân khấu IPAG, Philippines.
* Còn đơn vị chủ nhà Việt Nam sẽ có những trường nghệ thuật nào tham gia? Chắc hẳn anh cũng đã có chuẩn bị những tiết mục độc đáo của Việt Nam để giới thiệu với bạn bè các nước?
* Dự kiến chương trình khai mạc sẽ có phần biểu diễn của sinh viên Khoa Cải lương Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh TPHCM và Trung tâm Đào tạo chuyên nghiệp và giao lưu quốc tế ngành Sân khấu biểu diễn thuộc Công ty TNHH Mỹ Phát với tác phẩm Diễn kịch một mình của tác giả Lê Duy Hạnh được trình diễn theo hai phiên bản dàn dựng cho cải lương của NSND Bạch Tuyết và cho sân khấu thử nghiệm của tôi. Chương trình bế mạc sẽ có phần biểu diễn phối hợp của sinh viên các trường sân khấu quốc tế và các sinh viên Việt Nam với chủ đề: thế giới hiện đại – bản sắc và hội nhập – hạnh phúc và hòa bình.
* Đối tượng chính của liên hoan là các sinh viên nghệ thuật, vậy trong suốt thời gian diễn ra liên hoan sẽ có những hoạt động gì bổ ích cho sinh viên?
* Đồng hành với các chương trình biểu diễn là hệ thống các buổi thực hành chuyên môn về dàn dựng, biểu diễn và sáng tác, những buổi rèn luyện kỹ năng về hình thể, tiếng nói sân khấu và kỹ thuật biểu diễn. Đặc biệt, festival sẽ là nơi khởi đầu cho ý tưởng của tôi là dự định dàn dựng một chương trình hợp tác sân khấu rộng lớn với sự tham gia của đông đảo diễn viên trẻ đến từ các trường sân khấu quốc tế. Cùng với các hoạt động biểu diễn và thực hành, festival sẽ tổ chức tọa đàm về giảng dạy và học tập, gặp gỡ các thành viên đại diện của các trường sân khấu quốc tế để cùng chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn và thống nhất nội dung các chương trình hợp tác trao đổi giảng viên và học viên trong các năm tới.